Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2022: Hướng đến tăng trưởng cân bằng, bền vững
Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2022 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào ngày 18-11. Sự kiện là dịp để lãnh đạo các nền kinh tế cùng thảo luận và triển khai các biện pháp mới, hướng đến tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững cho khu vực.
Là sự kiện quan trọng nhất khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC - giai đoạn tâm điểm của APEC 2022, Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2022 có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện 21 nền kinh tế thành viên cùng 3 khách mời đặc biệt của Chính phủ nước chủ nhà gồm Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử kế vị Saudi Arabia Mohammed bin Salman bin Abdul-Aziz Al-Saud.
Hội nghị năm nay có ý nghĩa lớn, không chỉ bởi quy tụ các nước chiếm tổng cộng 38% dân số, 62% GDP và 48% thương mại toàn cầu; mà còn bởi diễn ra trong bối cảnh khu vực và thế giới đối mặt vô số biến động, khiến kinh tế - xã hội ở mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng. Cùng với đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương lâu nay tuy tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, song có sự phân hóa rõ nét giữa những nền kinh tế phát triển nhất và đang phát triển. Vì thế, bên cạnh các nỗ lực phục hồi bền vững, một ưu tiên quan trọng của APEC 2022 là mỗi nền kinh tế trong khu vực phải đặt ra được lộ trình thu hẹp khoảng cách, phù hợp với cam kết về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Nhằm thúc đẩy các mục tiêu này, Thái Lan - trên cương vị là Chủ tịch APEC 2022 - đã xây dựng một chương trình nghị sự mới với chủ đề “Rộng mở - Kết nối - Cân bằng”. Chương trình tập trung vào kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại giữa các nền kinh tế thành viên, tiếp tục đối thoại về xây dựng Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Bám sát chương trình nghị sự, ngày họp đầu tiên chứng kiến các thảo luận xoay quanh vấn đề tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững. Tại phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), các bên đã trao đổi ý kiến về tình hình lạm phát toàn cầu, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ngày họp thứ hai có chương trình nghị sự là thương mại và đầu tư bền vững, với sự tham dự của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva.
Các thảo luận cũng tập trung vào việc khôi phục hoạt động du lịch xuyên biên giới an toàn và liền mạch, qua đó phục hồi sức mạnh du lịch và các ngành dịch vụ. Lãnh đạo các nước cũng dành thời gian trao đổi kế hoạch nhằm thúc đẩy tiến triển trong thảo luận về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, hướng tới hội nhập kinh tế trong khu vực.
Cũng theo truyền thông Thái Lan, Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2022 đặt mục tiêu thông qua "Mục tiêu Bangkok" dựa trên nền tảng là mô hình kinh tế "Sinh học - Tuần hoàn - Xanh" (BCG) mà nước Chủ tịch Thái Lan đang xúc tiến. Bốn nội dung chính của “Mục tiêu Bangkok" gồm: Hành động chống biến đổi khí hậu, bao gồm việc trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính; đầu tư và thương mại bền vững; bảo vệ, sử dụng bền vững và quản lý môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đa dạng sinh học; tiết kiệm tài nguyên và quản lý rác thải bền vững tiến tới không rác thải. Mô hình khuyến khích sản xuất áp dụng các kỹ thuật vừa gia tăng giá trị cho sản phẩm, vừa tác động tối thiểu hoặc không ảnh hưởng đến môi trường.
Có thể thấy, nội dung nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2022 đã phản ánh mong muốn của 21 nền kinh tế thành viên trong việc vượt qua những khác biệt, tìm tiếng nói chung, hợp tác thúc đẩy APEC mở cửa với mọi cơ hội, kết nối trên mọi phương diện và cân bằng mọi khía cạnh để phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn.