Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43: 'Táo bạo, để tiến lên!'
'ASEAN cần sẵn sàng đưa ra những quyết định táo bạo để tiến lên!'. Ngày 4/9, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 (diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7/9) và các hội nghị cấp cao liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia - bà Retno Marsudi đã nhấn mạnh như vậy.
Một lần nữa, đây là sự khẳng định trong đồng thuận, rằng cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á không chỉ đang đứng trước những cơ hội mới, mà cũng còn đối diện không ít thách thức bủa vây.
Những cột trụ cho tiến trình phát triển
Đến ngày 4/9, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định: Chuỗi hội nghị lần này sẽ là diễn đàn để các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như lãnh đạo các nước đối tác đối thoại gặp gỡ, trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề cùng quan tâm, tìm cách giải quyết những khó khăn, thách thức mà khu vực và thế giới đã và đang phải đối mặt.
Theo thông tin chính thức đã được đưa ra từ ngày 30/8, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 cùng các hội nghị liên quan sẽ tập trung vào 4 trọng tâm chính, bao gồm: Thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ DươngThái Bình Dương thành khu vực hòa bình, thịnh vượng.
Ở trọng tâm thứ nhất, tầm nhìn dài hạn chung sẽ đóng một vai trò định hướng vô cùng quan trọng. Bởi, hiện nay, mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN chỉ kéo dài 1 năm. Dó đó, mọi kế hoạch đều cần có sự bền vững, để các quốc gia kế tục vị trí Chủ tịch ASEAN tiếp tục thực hiện. Đây sẽ được coi là “kim chỉ nam” để ASEAN tiến lên và nền tảng của tầm nhìn bắt đầu được xây dựng, trong nhiệm kỳ chủ tịch này của Indonesia. Hiện, mục tiêu đặt ra là thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV làm nền tảng cho Tầm nhìn ASEAN 2045, tại hội nghị chuẩn bị diễn ra.
Xoay quanh trọng tâm thứ hai, một số nội dung sẽ được thảo luận và thống nhất, bao gồm Quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN. Theo Bộ trưởng Retno tất cả các nước đều nhận thấy rằng ASEAN cần đẩy nhanh quá trình ra quyết định, nhất là vào những trường hợp đối diện nguy cơ khủng hoảng (mà không nhất thiết phải thay đổi Hiến chương ASEAN). Thí dụ, gia tăng quyền ra quyết định cho các đại sứ, đại diện thường trực các nước tại ASEAN; tăng cường Ban thư ký ASEAN (ASEC) thông qua việc tổ chức các hội nghị tại trụ sở ASEC ở Jakarta; tăng cường vai trò của Tổng Thư ký ASEAN; và gia tăng nguồn kinh phí.
Trọng tâm thứ ba, “Tâm điểm tăng trưởng” - bao gồm nhiều nội dung liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế, ổn định tài chính, quyền tiếp cận thị trường tự do và công bằng. Một số nội dung đã được nhất trí tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và sẽ được chuyển thành các kế hoạch hành động hoặc được thúc đẩy dưới hình thức quan hệ đối tác với các nước đối tác ngoại khối.
Liên quan trọng tâm thứ tư, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, nước Chủ tịch ASEAN năm 2023 sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương[1]Thái Bình Dương (AIPF), quy tụ các quan chức ra quyết sách và khu vực tư nhân nhằm thảo luận về hợp tác kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là một trong những động thái quan trọng nhằm triển khai thực hiện và cụ thể hóa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Nhận diện các thách thức
“Trước những bất ổn kinh tế toàn cầu, điều mà chúng ta cần làm là đảm bảo rằng khu vực này vẫn rộng mở cho các hoạt động kinh doanh, đảm bảo rằng chúng ta tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đảm bảo rằng khu vực này thực sự trở thành tâm điểm tăng trưởng kinh tế thế giới theo đúng chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng” của Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023" - Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh.
Theo ông, thách thức đầu tiên mà ASEAN phải đối mặt là làm thế nào để giữ cho nền kinh tế khu vực tiếp tục vận động, duy trì tăng trưởng kinh tế, cho dù tốc độ tăng trưởng của ASEAN được dự báo vẫn sẽ cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Một thách thức khác cần được nhắc đến là các vấn đề nảy sinh trong quá trình đàm phán liên quan kinh tế kỹ thuật số - lĩnh vực vốn có rất nhiều triển vọng tích cực. Tổng Thư ký ASEAN đánh giá: ASEAN kỳ vọng thu được rất nhiều từ kinh tế kỹ thuật số, song bên cạnh đó cũng sẽ phải giải quyết các vấn đề như tội phạm mạng, bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, quản lý dữ liệu lớn (big data), hay công tác đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong bối cảnh trình độ phát triển không đồng đều giữa các nước.
An ninh năng lượng và an ninh lương thực cũng là những bài toán hóc búa trước mắt ASEAN, khi giá cả và nguồn cung của hai mặt hàng này vẫn còn rất cao, chưa ổn định và có thể còn tăng, kéo theo nhiều hệ lụy. Ngoài ra, biến đổi khí hậu là lĩnh vực được rất nhiều người quan tâm, do Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Cùng với đó là các động lực địa chính trị trong khu vực và trên thế giới. Các nhà lãnh đạo ASEAN cần phải xem xét cách thức tổ chức, nhằm hướng tới vai trò lớn hơn trong việc gắn kết bạn bè, đối tác, thu hẹp các khoảng cách và khác biệt giữa những trung tâm quyền lực toàn cầu. Qua đó, tận dụng và nắm bắt các cơ hội rộng mở nhưng không để bị cuốn vào hay ảnh hưởng tiêu cực bởi những cuộc cạnh tranh ảnh hưởng.
Như Bộ trưởng Điều phối chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Moham[1]mad Mahfud Mahmodin phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng chính trị - an ninh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 27 (APSC-27) diễn ra ngày 4/9, những tác động nhân đạo và kinh tế-xã hội của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là lời cảnh báo đối với các nước ASEAN.
Theo Bộ trưởng Mahfud, ASEAN không được để tình trạng tương tự xảy ra với khu vực của mình và làm suy yếu những tiến bộ mà hiệp hội đã nỗ lực đạt được kể từ năm 1967. Một cách ngắn gọn, để khẳng định vai trò ngày càng tích cực và quan trọng của ASEAN trên trường quốc tế, Cộng đồng Các quốc gia Đông Nam Á, tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 43 này, hơn lúc nào hết, phải thể hiện được sự gắn kết, tính đồng thuận, cũng như vai trò tâm điểm tăng trưởng đối với nền kinh tế khu vực, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân và các doanh nghiệp.
Cụ thể hóa các mục tiêu
Từ ngày 3/9, các cuộc đàm phán Hiệp định khung về Kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) đã được khởi động trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 23, thể hiện sự hợp tác mạnh mẽ giữa các nước ASEAN trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số ở khu vực. Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đánh giá sự kiện này là “cột mốc lịch sử” và là “bước tiến quan trọng” trong hợp tác giữa các nước ASEAN nhằm khai thác những tiềm năng to lớn của lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số.
Ông nêu rõ: “Nếu được triển khai vào năm 2025, DEFA sẽ gia tăng tiềm năng kinh tế kỹ thuật số của ASEAN, từ mức thông thường 1.000 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030”.
Chiều 5/9, Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF) chính thức khai mạc, quy tụ các quan chức ra quyết sách và khu vực tư nhân nhằm thảo luận về hợp tác kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm khuyến khích hợp tác, chuyển từ trọng tâm hợp tác về an ninh trước đây sang hợp tác cụ thể trong lĩnh vực kinh tế.
AIPF tập trung thảo luận 3 lĩnh vực chính, bao gồm cơ sở hạ tầng xanh và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; số hóa và công nghiệp sáng tạo; nguồn tài trợ. Hai lĩnh vực đầu tiên được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng của khu vực ASEAN và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai.
Phục vụ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), theo Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia - ông Pahala Mansury, tổng giá trị của các dự án trong khuôn khổ AOIP hiện lên tới 120 tỷ USD. Trong đó, 93 dự án có thể được xem là đã chín muồi, với tổng trị giá 38 tỷ USD.
Trước đó, ngay từ chiều 4/9, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) năm 2023. Với chủ đề: "ASEAN trong vai trò trung tâm: Sáng tạo để bao trùm hơn, "ASEAN BIS 2023 tập trung thảo luận về 5 chủ đề chính bao gồm: chuyển đổi số và phát triển bền vững; an ninh lương thực; y tế sức khỏe, y tế đảm bảo hoạt động doanh nghiệp và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng cục diện thế giới đa cực là một xu thế tất yếu, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng phân mảnh, tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét. ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định “là một cực trong thế giới đa cực", là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực và ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh đó.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ASEAN độc lập và tự cường, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 5,6%. Dự báo, tăng trưởng của ASEAN năm 2023 đạt 4,5%, cao hơn so với dự báo tốc độ tăng trưởng của nhóm các nước phát triển; thương mại nội khối đạt trên 856 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN; đầu tư nội khối đạt gần 27 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng FDI của cả khu vực.
Để ASEAN tiếp tục phát huy vai trò và vị thế cũng như tận dụng và nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ASEAN cần củng cố và tăng cường đoàn kết nội khối; giữ vững nguyên tắc, lập trường, quan điểm chung của ASEAN; giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
Theo đề xuất của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ASEAN cần phát triển theo hướng không hy sinh sự công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; kiên định cách tiếp cận toàn dân trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: "Xây dựng nguồn lao động chất lượng cao là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực chúng ta". Cũng trong chiều 4/9, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí trình văn kiện mang tên Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 xem xét thông qua.