Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Israel-Hamas không có đột phá về tình hình Gaza
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Israel - Hamas về Gaza do Ai Cập tổ chức kết thúc không đưa ra được giải pháp để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.
Ai Cập hôm 21/10 tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình nhằm thảo luận cách thức giảm leo thang xung đột giữa Hamas và Israel, cũng như ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn khu vực.
Cuộc họp có đại diện từ nhiều nước trong khu vực và thế giới gồm các nguyên thủ quốc gia Ai Cập, Jordan, chính quyền Palestine, cũng như quan chức ngoại giao các nước Ả Rập và châu Âu. Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Anh và Mỹ cũng có đại diện dự hội nghị.
Các nhà lãnh đạo dự hội nghị đã tập trung vào sự cần thiết phải chấm dứt căng thẳng ở dải Gaza và các bên trở lại bàn đàm phán.
“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để chấm dứt xung đột”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói tại hội nghị, nhấn mạnh dải Gaza đang bị Israel "bao vây hoàn toàn", "cần một nguồn viện trợ lớn".
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh, Quốc vương Abdullah II của Jordan kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức", trong khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi khẳng định "giải pháp duy nhất cho vấn đề Palestine là công lý", nhấn mạnh "quyền" của người Palestine "được thành lập nhà nước của họ".
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi cộng đồng quốc tế “không để xung đột trở thành khủng hoảng khu vực”.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi "chấm dứt sự chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine của Israel và giải pháp hai nhà nước".
Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà các nhà lãnh đạo và quan chức ngoại các nước không thống nhất được một tuyên bố chung. Sự khác biệt về quan điểm giữa các phái đoàn Ả Rập và phái đoàn châu Âu được cho là cản trở quá trình ra tuyên bố chung của hội nghị. Lãnh đạo các nước châu Âu yêu cầu lên án lực lượng Hamas và công nhận "quyền tự vệ" của Israel.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hơn 1.400 người Israel đã thiệt mạng và 200 người bị Hamas bắt làm con tin ở Israel kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10. Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine thông báo 4.385 người chết và 13.651 người bị thương ở Gaza.
Liên hợp quốc cảnh báo thảm họa nhân đạo tại Gaza do lương thực thực phẩm cạn kiệt và nguồn cung nhiên liệu cho các bệnh viện chạy máy phát điện cũng đang thấp ở mức nguy hiểm.
Đoàn xe chở hàng viện trợ đầu tiên từ Ai Cập hôm 21/10 đã tới dải Gaza sau gần hai tuần Israel tuyên bố phong tỏa hoàn toàn khu vực. Theo đó, khoảng 20 xe tải do tổ chức Lưỡi liềm Đỏ Ai Cập quản lý, chịu trách nhiệm vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho nhiều cơ quan Liên hợp quốc đi qua cửa khẩu Rafah vào dải Gaza. Rafah là cửa khẩu duy nhất trên biên giới với dải Gaza không do Israel kiểm soát.