Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine khó có thể tạo bước đột phá

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, mọi sáng kiến hòa bình đều quý giá. Chính vì thế, Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ được dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Nga và những nước có ảnh hưởng như Trung Quốc khiến hội nghị khó có thể tạo bước đột phá.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ

Công thức cho nền hòa bình lâu dài và bền vững

Trong các ngày 15 và 16-6, Hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức theo đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã diễn ra tại khu nghỉ dưỡng vùng núi Burgenstock gần Lucerne ở Thụy Sĩ. Theo thông cáo báo chí của nước chủ nhà Thụy Sĩ, 100 đoàn đại biểu, trong đó có 57 nguyên thủ quốc gia, tham dự hội nghị.

Nga không được mời dự hội nghị, trong khi quốc gia có tầm ảnh hưởng là Trung Quốc không cử đại diện tới dự. Một số nước khác là thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cùng Nga và Trung Quốc là Brazil, Ấn Độ và Nam Phi không dự ở cấp cao nhất. Brazil tham dự với tư cách quan sát viên, Ấn Độ chỉ cử quan chức cấp cao, trong khi Nam Phi cử một phái viên.

Trong một sáng kiến riêng vào tháng trước, Trung Quốc và Brazil đã nhất trí 6 “thỏa thuận chung” hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó yêu cầu các nước khác đóng vai trò thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức “vào thời điểm thích hợp” với cả Nga và Ukraine.

Tờ La Croix của Pháp nhận định, hội nghị ở Thụy Sĩ lần này trước hết với Ukraine là để thể hiện họ có sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia Nam Bán cầu, không chỉ có các nước phương Tây. Số lượng nước tham gia và đại diện cấp cao càng nhiều thì hội nghị sẽ càng thành công. Tại phiên họp toàn thể, những người tham dự đã thảo luận về các chủ đề được đề cập trước đó. Mục tiêu mà Ban tổ chức hội nghị đưa ra là nhằm đặt nền móng cho các cuộc đàm phán tiếp theo về việc chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã hơn 2 năm qua. Trước đó, hội nghị dự kiến trao đổi về giải pháp dựa trên khuôn khổ hòa bình 10 điểm do Ukraine đề xuất vào năm 2022. Tuy nhiên, sau đó quyết định chỉ tập trung vào 3 mục chương trình nghị sự được coi là phần ít gây tranh cãi nhất trong “công thức” hòa bình 10 điểm của Ukraine, bao gồm an toàn hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Nga kiểm soát; khả năng trao đổi tù binh chiến tranh; an ninh lương thực toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh này sẽ đặt nền móng cho một giải pháp “công bằng và lâu dài” với Nga. Ông Zelensky nhấn mạnh: “Chúng ta phải cùng nhau quyết định xem một nền hòa bình công bằng có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới và làm sao để đạt được điều đó một cách lâu dài. Sau đó, quyết định sẽ được thông báo tới các đại diện của Nga, để tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai, chúng ta có thể ấn định cái kết thực sự cho cuộc chiến”.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Thụy Sĩ nêu rõ: “Những kỳ vọng về hội nghị này rất rõ ràng: Chúng tôi muốn bắt đầu một tiến trình rộng rãi liên quan đến nền hòa bình lâu dài và bền vững ở Ukraine nhằm tạo điều kiện cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình trong tương lai với sự tham gia của Nga”.

Ít có cơ may chấm dứt xung đột

Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, đến giờ, lập trường của Nga và Ukraine quá đối lập nhau khiến cho khó có thể thấy được những nhượng bộ. Công thức hòa bình được ông Zelensky đưa ra cuối năm 2022 gồm 10 điểm, trong đó có các yêu cầu như Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh. Trong khi đó, Nga muốn bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng được xây dựng xung quanh một dự thảo thỏa thuận được đàm phán trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, bao gồm các điều khoản về tình trạng trung lập của Ukraine và giới hạn đối với lực lượng vũ trang của nước này, đồng thời trì hoãn các cuộc đàm phán về các khu vực do Nga chiếm đóng.

Ngay trước khi hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đề xuất hòa bình mới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Ông Putin khẳng định Nga sẽ ngừng bắn và tham gia đàm phán nếu Ukraine từ bỏ ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút quân khỏi 4 khu vực là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, các tỉnh Kherson và Zaporozhye mà Matxcơva đã tuyên bố chủ quyền. Ukraine đã bác bỏ đề xuất của Nga, cho rằng điều kiện mà ông Putin đưa ra là “tối hậu thư” với Kiev và không thể chấp nhận được.

Vấn đề Nga không được mời tham dự hội nghị và ảnh hưởng của điều này đến thỏa thuận hòa bình giữa hai bên xung đột cũng được các đại biểu đề cập nhiều. Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cho rằng, để giải quyết tình hình ở Ukraine, cần thực hiện mọi nỗ lực nhằm cải thiện đối thoại giữa Kiev và Matxcơva, do đó, việc Nga tham gia hội nghị này là quan trọng. Tổng thống Chile Gabriel Boric cho biết nước này muốn đạt được một tuyên bố chung, sự tham gia của Nga trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng trên bàn đàm phán. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho rằng các điều kiện Nga đưa ra để giải quyết xung đột là những bước quan trọng mang lại hy vọng. Ông nói: “Điều rất quan trọng là chúng ta có thể đảm bảo tính hiệu quả nhờ sự có mặt của bên thứ hai là Nga trong căn phòng này. Điều rất quan trọng là phải phát triển một chiến lược toàn diện, gồm các bước ngoại giao”.

Dù ủng hộ Ukraine nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz lưu ý rằng hòa bình không thể đạt được nếu không có sự tham gia đối thoại của Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Charles Michel cũng cho rằng hòa bình sẽ chỉ đạt được thông qua đối thoại, do đó, Kiev phải tự quyết định khi nào họ sẵn sàng cho một bước đi như vậy. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amerd cũng bày tỏ quan điểm tương tự về đàm phán hòa bình. Bà Amerd lưu ý: “Nếu chúng ta muốn hòa bình, đến một lúc nào đó Nga sẽ cần phải tham gia vào quá trình đàm phán”.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: “Trung Quốc rất coi trọng hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine đầu tiên do Thụy Sỹ tổ chức và đã liên lạc chặt chẽ với phía Thụy Sĩ và các bên liên quan về cuộc họp kể từ đầu năm nay. Trung Quốc đã kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên cũng như thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình. Nếu không, sẽ khó đóng vai trò thực chất trong việc khôi phục hòa bình”.

Đánh giá về hội nghị, nhật báo Les Echos của Pháp nhận xét: “Trên lý thuyết, hội nghị có thể coi như bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình tại Ukraine. Nhưng một hội nghị hòa bình mà không có sự tham gia của một trong hai bên tham chiến thì ít có cơ may chấm dứt được chiến tranh”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-hoa-binh-ukraine-kho-co-the-tao-buoc-dot-pha-post579871.antd