Nhà sáng lập WikiLeaks được trả tự do

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange được tại ngoại ở Anh để trở về Australia sau khi đồng ý sẽ nhận tội vi phạm luật pháp về gián điệp của Mỹ.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange được tại ngoại ở Anh để trở về Australia sau khi đồng ý sẽ nhận tội vi phạm luật pháp về gián điệp của Mỹ.

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange lên máy bay tại London hôm 25-6. Ảnh: Reuters

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange lên máy bay tại London hôm 25-6. Ảnh: Reuters

Theo hồ sơ tại Tòa án Quận phía Bắc Quần đảo Mariana của Mỹ công bố tối 25-6, ông Assange, 52 tuổi, đã đồng ý nhận tội danh hình sự về việc âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu mật về quốc phòng của Mỹ. Theo kế hoạch, nhà sáng lập WikiLeaks sẽ phải trình diện tại một tòa án ở quần đảo Bắc Mariana, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương và tòa dự kiến sẽ tuyên phạt ông 62 tháng tù giam như thỏa thuận thống nhất trước đó. Thời gian 5 năm ông Assange bị giam giữ tại Anh được tính vào án trên, do đó dự kiến ông sẽ được trở về Australia sau khi kết thúc phiên tòa trên. Trước khi rời London, ông Assange, đã ký thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ về việc nhận tội vi phạm Đạo luật Tình báo của Mỹ do tiết lộ bí mật quân sự của Washington liên quan đến các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Trong thông báo mới nhất sáng 25-6, WikiLeaks cho biết ông Assange đã rời nhà tù Anh và bay khỏi nước này. Liên quan đến hành trình của ông Assange sau khi rời Anh, một quan chức Thái Lan giấu tên cho biết, chiếc máy bay chở nhà sáng lập WikiLeaks sẽ quá cảnh tại Bangkok để nạp nhiên liệu trước khi tiếp tục hành trình bay tới quần đảo Bắc Mariana.

Chính phủ Australia ngày 25-6 thông báo đã nắm được thông tin liên quan đến thủ tục pháp lý của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange tại Mỹ, đồng thời cho biết nước này đang cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho ông Assange. Chính phủ Australia cho biết hiện chưa thích hợp để bình luận thêm vì các thủ tục pháp lý "đang diễn ra".

Ông Julian Assange, công dân Australia, là người đã sáng lập ra mạng WikiLeaks vào năm 2006 chuyên rò rỉ các thông tin mật ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Đợt công bố dữ liệu mật đầu tiên của WikiLeaks bao gồm các hình ảnh cho thấy cuộc không kích vào năm 2007 của quân đội Mỹ ở Iraq khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Đến cuối năm 2010, WikiLeaks đã gây chấn động thế giới khi công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật quân sự Mỹ liên quan đến chiến tranh Afghanistan và Iraq. Đây được coi là vụ rò rỉ an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Bên cạnh tài liệu quân sự, WikiLeaks còn tiết lộ hàng loạt bức điện ngoại giao nhạy cảm. Ban đầu, WikiLeaks chia sẻ các dữ liệu mật này thông qua một số hãng truyền thông như Guardian, New York Times. WikiLeaks tiếp tục một đợt công bố tài liệu mật quy mô lớn nữa vào năm 2016, lần này là các thư điện tử của Ủy ban Dân chủ quốc gia Mỹ.

Giới chức Mỹ coi ông Assange là "kẻ thù liều lĩnh", cho rằng hành động của ông đe dọa tính mạng những đặc vụ có tên trong tài liệu bị rò rỉ. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng nhà sáng lập WikiLeaks có quyền tự do ngôn luận khi công bố các tài liệu và không nên bị truy tố. Ông Assange bị bắt lần đầu ở Anh năm 2010 theo lệnh bắt giữ của châu Âu, sau khi chính quyền Thụy Điển muốn thẩm vấn ông về các cáo buộc tấn công tình dục. Assange cho rằng cáo buộc này là "vỏ bọc" để giới chức dẫn độ ông sang Mỹ.

Ông chủ WikiLeaks sau đó ẩn náu ở Đại sứ quán Ecuador tại London (Anh) suốt 7 năm. Năm 2019, giới chức Anh đạt thỏa thuận ngoại giao với Ecuador và tiến vào Đại sứ quán bắt ông Assange. Ông Assange đã bị giam ở nhà tù Belmarsh (Anh) kể từ đó trong gần 5 năm và đấu tranh với lệnh bị dẫn độ sang Mỹ. Ông chủ WikiLeaks bị Mỹ truy tố với 17 cáo buộc vi phạm luật tình báo và một cáo buộc tin tặc, với tổng mức án có thể lên đến 175 năm tù. Tổng thống Joe Biden tháng 4 vừa qua tuyên bố Mỹ đang xem xét hủy truy tố ông Assange.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nha-sang-lap-wikileaks-duoc-tra-tu-do-post297129.html