Hội nghị Thượng đỉnh lương thực châu Phi 2023: Giúp Lục địa đen tăng năng lực tự chủ
Các đối tác phát triển cam kết sẽ tài trợ 30 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực tại châu Phi trong 5 năm tới, giúp lục địa này tăng năng lực tự chủ, trở thành vựa lúa mì của thế giới. Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh lương thực châu Phi vừa kết thúc cuối tuần qua tại thủ đô Dakar của Senegal.
Hội nghị kéo dài 3 ngày (từ ngày 25 đến 27-1) với sự tham dự của các nhà lãnh đạo châu Phi, đại diện các ngân hàng phát triển và đối tác quốc tế, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Sự kiện do Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) và Senegal đồng tổ chức, nhằm huy động tài trợ và kêu gọi các cam kết chính trị. Với chủ đề “Nuôi dưỡng châu Phi: Chủ quyền lương thực và khả năng phục hồi”, hội nghị diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine. Hội nghị nhấn mạnh các nước châu Phi cần tăng cường năng lực sản xuất lương thực, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng giá và thiếu hàng hóa.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, châu Phi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất từ trước đến nay, với 20% người dân châu lục này - tương đương 278 triệu người - phải đối mặt với nạn đói. Các chuyên gia cho biết, gánh nặng nợ nần từ đại dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá nhiên liệu, ngũ cốc và dầu ăn tăng cao, bên cạnh các nguyên nhân lâu dài dẫn đến mất an ninh lương thực như biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị và xung đột. Từ lâu, xung đột là nguyên nhân dẫn đến nạn đói tại châu Phi. Xung đột buộc người dân phải đi sơ tán, ảnh hưởng tới kế sinh nhai, hoạt động nông nghiệp và các nguồn cung lương thực.
Khi cuộc khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng hơn vào đầu năm 2022, AfDB đã thành lập một quỹ sản xuất lương thực khẩn cấp trị giá 1,5 tỷ USD nhằm giúp nông dân châu Phi sản xuất 38 triệu tấn lúa mì, ngô, gạo và đậu tương. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, các chính phủ châu Phi vẫn chưa nỗ lực hết sức để ngăn chặn khủng hoảng lương thực tái diễn. Phân tích của Tổ chức từ thiện Oxfarm (Anh) đối với 39 quốc gia châu Phi cho thấy, chi tiêu ngân sách dành cho nông nghiệp của các nước này đã giảm trong giai đoạn 2019-2021.
Do vậy, khả năng tự cung, tự cấp các mặt hàng lương thực chủ chốt của châu Phi ngày càng giảm. Châu Phi có 65% diện tích đất chưa được canh tác và có tiềm năng sản xuất đủ lương thực để nuôi sống người dân... Nhưng dù có tiềm năng nông nghiệp to lớn, châu Phi vẫn đang phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực cao. Thế nên, các nước châu Phi kỳ vọng sẽ nhận được nhiều cam kết chính trị nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, nạn đói và suy dinh dưỡng ở lục địa này.
Với việc loại bỏ các rào cản đối với phát triển nông nghiệp và được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư mới, ước tính sản lượng nông nghiệp của châu Phi có thể tăng từ 280 tỷ USD mỗi năm và đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Hội nghị cũng giới thiệu các chương trình đã góp phần vào chủ quyền lương thực và khả năng phục hồi của châu Phi. Trong đó bao gồm nền tảng công nghệ Chuyển đổi Nông nghiệp châu Phi (TAAT) của AfDB, đang cung cấp lúa mì chịu nhiệt, ngô chịu hạn và hạt giống lúa năng suất cao cho 11 triệu nông dân châu Phi ở 21 quốc gia trong khu vực.
Theo Tiến sĩ Martin Fregene, Giám đốc Nông nghiệp và Công nghiệp của AfDB, đưa ra các chương trình công nghệ nông nghiệp như TAAT không chỉ giúp tăng sản lượng nông nghiệp cho châu Phi mà còn làm tăng của cải, tạo việc làm và mở cửa thị trường cho nền thương mại khu vực và quốc tế. Và đây chính là thời điểm thích hợp để đầu tư vào tương lai cho Lục địa đen.