Hội nghị thượng đỉnh NATO: phương Tây 'nắn gân' Nga, an ủi Ukraine, Mỹ thiết kế vòng vây chiến lược
Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã chứng minh sức mạnh tập thể của NATO và quyết tâm của phương Tây trước Nga trong cuộc xung đột leo thang tại Ukraine.
Những quyết định khó khăn nhưng cần thiết
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid ngày 29/6, lãnh đạo các nước thành viên cho rằng Nga “là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh NATO vừa chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo về việc triển khai quân đội, tàu và máy bay mới của nước này.
Ông Biden cho biết động thái của Mỹ chính là điều mà Tổng thống Nga Putin “không mong muốn” - và Moscow, trước sự kháng cự quyết liệt từ các lực lượng Ukraine được trang bị vũ khí của phương Tây, đã phản ứng gay gắt.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Ashgabat của Turkmenistan, ông Putin cáo buộc NATO đang tìm cách khẳng định “uy thế tối cao”, cho rằng Ukraine và người dân của họ là “phương tiện” để NATO “bảo vệ lợi ích của mình”.
NATO đã chuyển hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine và vừa được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu tăng cường pháo tầm xa.
Tại hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Ukraine vẫn có thể trông cậy vào chúng tôi”, đồng thời công bố một kế hoạch chiến lược tổng quan mới, tập trung vào mối đe dọa từ Moscow. Tài liệu được cập nhật lần đầu tiên kể từ năm 2010 này cảnh báo rằng liên minh “không thể xem thường khả năng xảy ra” một cuộc tấn công nhằm vào các nước thành viên.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: “Hôm nay tại Madrid, NATO đã chứng minh rằng họ có thể đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết. Chúng tôi hoan nghênh một lập trường rõ ràng về Nga, cũng như sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển”.
Các tên lửa của Nga tiếp tục dội xuống Ukraine. Ông Zelensky cho biết một cuộc tấn công bằng tên lửa vào thành phố Mykolaiv - miền Nam nước này - đã phá hủy một tòa nhà 5 tầng, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.
Thành phố Lysychansk ở khu vực miền Đông Donbass - tâm điểm hiện tại của cuộc tấn công của Nga - cũng đang phải đối mặt với các đợt pháo kích liên tục.
Bình luận trên truyền hình ngày 29/6, Thống đốc khu vực Luhansk Sergiy Gaiday cho biết tần suất các đợt pháo kích là rất “khủng khiếp”, đồng thời cho rằng việc sơ tán khoảng 15.000 dân thường trong thành phố “có thể sẽ rất nguy hiểm vào lúc này”.
Tại Kremenchuk, thị trấn vừa hứng chịu một tên lửa của Nga ngày 27/6, khiến một trung tâm thương mại bị phá hủy và 18 người thiệt mạng, việc dọn dẹp đống đổ nát vẫn đang được tiếp tục. Các nhà lãnh đạo phương Tây coi cuộc tấn công nhằm vào Kremenchuk là một tội ác chiến tranh.
Ngày 29/6, Nga cho biết họ đã tấn công một kho chứa vũ khí của phương Tây và ông Putin đã phủ nhận trách nhiệm của Moscow trong vụ tấn công Kremenchuk.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine cho biết 144 binh sỹ nước này, hầu hết là lính bảo vệ nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng miền Nam Mariupol, đã được trả tự do trong cuộc trao đổi tù binh với Moscow.
Mỹ hiện diện thường trực tại sườn phía Đông
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow đã kích hoạt làn sóng ủng hộ dành cho chính quyền Tổng thống Zelensky, trong đó có việc cung cấp vũ khí tiên tiến cũng như tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu.
Washington thông báo sẽ chuyển trụ sở Quân đoàn 5 của họ đến Ba Lan. Một lữ đoàn lục quân sẽ được luân chuyển ở trong và ngoài Romania, hai phi đội máy bay tiêm kích F-35 sẽ triển khai tới Anh, hệ thống phòng không của Mỹ sẽ được gửi đến Đức và Italy, và đội tàu khu trục của Hải quân Mỹ ở Tây Ban Nha sẽ tăng từ 4 lên 6 tàu.
Cũng trong ngày 29/6, Anh cam kết viện trợ quân sự thêm 1,2 tỷ USD cho Ukraine, trong đó gồm các hệ thống phòng không và máy bay không người lái.
Việc Mỹ triển khai một đơn vị đồn trú thường xuyên ở Ba Lan đánh dấu lần đầu tiên Washington hiện diện thường trực tại sườn phía Đông của liên minh. Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Mỹ sẽ tăng cường lực lượng ở châu Âu và ứng phó với môi trường an ninh đang thay đổi cũng như tăng cường an ninh tập thể”.
Celeste Wallander, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề quốc tế, nói với các phóng viên rằng việc hiện diện lâu dài ở Ba Lan sẽ là chìa khóa để giúp NATO điều hướng và thích ứng môi trường an ninh đã thay đổi ở châu Âu sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, cũng tham dự hội nghị Madrid, bình luận trên Twitter rằng sự hiện diện thường trực của Mỹ là một “quyết định cực kỳ quan trọng” và là “quyết định mà chúng tôi đang chờ đợi”.
Mỹ chuẩn bị duy trì 100.000 quân ở châu Âu trong “tương lai gần”, tăng từ mức 80.000 người trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu.
Bên cạnh lực lượng Đức, Anh và các đồng minh khác luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng triển khai về phía Đông, Mỹ có kế hoạch bổ sung quân số bằng cách gửi thêm tàu chiến và máy bay lần lượt tới Tây Ban Nha và Anh, cũng như triển khai thêm vũ khí tại vùng Baltics và tăng quân tại Romania.
Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Một cuộc tấn công chống lại một quốc gia là cuộc tấn công chống lại tất cả”.