Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ: Trung Quốc vẫn nằm trong tầm ngắm?
Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ lần này đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Biden nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á khi phải đối mặt với một Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy.
Đảm bảo ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo của Australia, Nhật Bản, Ấn Độ đã nhấn mạnh vai trò của nhóm Bộ Tứ trong việc đảm bảo ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên ở Nhà Trắng ngày 24/9.
Hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Biden nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á khi phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Tại hội nghị, 4 nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực, ứng phó biến đổi khí hậu và đảm bảo chuỗi cung ứng các chất bán dẫn quan trọng được dùng trong công nghệ máy tính.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết: “Chúng ta cùng sát cánh với nhau tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực mà chúng tôi mong muốn không có hành vi cưỡng ép, nơi chủ quyền của các quốc gia được tôn trọng, các tranh chấp được giải quyết hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: “Sự kiện này thể hiện tình đoàn kết bền chặt giữa bốn quốc gia và cam kết kiên định của chúng ta đối với tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi “những giá trị dân chủ” được chia sẻ giữa các nước. Còn Tổng thống Biden nói rằng, nhóm Bộ Tứ đang ở tiền tuyến: "Chúng ta là bốn nền dân chủ lớn có lịch sử hợp tác lâu dài. Chúng ta biết cách hoàn thành các công việc và sẵn sàng đối mặt với những thách thức".
Đối với Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ đánh dấu một bước đi mới nhằm củng cố sự tập trung của Washington vào các nỗ lực ngoại giao sau khi Mỹ rút khỏi cuộc chiến kéo dài 20 năm tại Afghanistan.
Cạnh tranh với Trung Quốc nằm trong chiến lược của nhóm Bộ Tứ
Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Australia Morrison khẳng định, Bộ Tứ là “một sáng kiến rất thiết thực”. Nhưng ngay cả khi không nhắc đến Trung Quốc, ông vẫn tuyên bố rõ ràng rằng, nhóm này sẵn sàng “chống lại bất cứ sức ép nào mà một trong số các nước thành viên phải đối mặt”.
Mặc dù không đề cập trực tiếp Trung Quốc trong phiên mở đầu cuộc họp, nhưng giới phân tích cho rằng quốc gia này chắc chắc sẽ là chủ đề chính khi các bên tiến hành những cuộc đối thoại riêng rẽ. Cụm từ “tự do và rộng mở” được lặp lại nhiều lần là dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của các cường quốc trong khu vực trước việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng về kinh tế, ngoại giao, quân sự, trong đó có cả những mối đe dọa với các tuyến đường biển quốc tế quan trọng.
Cạnh tranh với Trung Quốc cũng nằm trong chiến lược của Bộ Tứ, bên cạnh nỗ lực hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hơn và phục hồi các nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch.
David Shullman, chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia liên quan đến vấn đề tranh chấp biên giới và thương mại, cùng cách xử lý của Bắc Kinh trong vấn đề Hong Kong, Đài Loan đã khiến các thành viên trong nhóm Bộ Tứ vô cùng lo ngại và cảm thấy sự cấp bách cần phải thúc đẩy hợp tác để thực hiện mục tiêu chung. “Trung Quốc có thể là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Hội nghị Thượng đỉnh lần này diễn ra”, ông David Shullman lưu ý.
Trong số 3 nhóm mà Mỹ dẫn đầu trong ván cờ chiến lược nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Bộ Tứ là nhóm cởi mở nhất. Hai nhóm còn lại là liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) gồm 5 nước Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand và liên minh AUKUS giữa Anh, Australia và Mỹ.
Liên minh AUKUS được công bố vào tuần trước đang tập trung vào thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia sử dụng các công nghệ của Mỹ và Anh. Mặc dù phải mất nhiều năm, Hải quân Australia mới sở hữu những con tàu này nhưng việc thành lập liên minh đã làm dấy lên phản ứng trái chiều trên khắp thế giới, đặc biệt, gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao gay gắt với Pháp – quốc gia vừa bị Australia hủy hợp đồng đóng tàu ngầm và khiến Trung Quốc tức giận.
Không có yếu tố quân sự
Trong khi dư luận đang hướng sự tập trung vào kế hoạch đóng tàu ngầm hạt nhân của Australia, nhiều quan chức và các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ dường như muốn nhấn mạnh rằng không có yếu tố quân sự nào trong nhóm này.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết: “Đây không phải là liên minh quân sự mà là một liên minh không chính thức giữa các quốc gia dân chủ. Tôi nghĩ rằng mọi mối lo ngại đã được xua đi và tôi cho rằng nhìn chung sáng kiến này sẽ được hoan nghênh trên toàn khu vực”.
Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định: “Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ không phải là một cuộc họp về an ninh, đó là cơ hội để các nước thành viên thảo luận về hợp tác về Covid-19, biến đổi khí hậu, công nghệ mới nổi và cơ sở hạ tầng".
Việc các bên không đề cập yếu tố quân sự trong Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ được cho là một bước đi nhằm giảm leo thang với Trung Quốc. Chuyên gia Daniel R DePetris, một thành viên tại tổ chức nghiên cứu chính sách Defense Priorities đã hoan nghênh động thái này. Nhưng ông cũng cảnh báo, bất cứ ý định nào nhằm biến Bộ Tứ thành một liên minh quân sự có thể không có lợi cho Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, đồng thời khiến Washington phải chịu thêm một gánh nặng an ninh mới, bởi 3 quốc gia nói trên nhiều khả năng sẽ dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ để tìm cách cân bằng với Trung Quốc.
Còn Paula Dobriansky – cựu nhà ngoại giao của Mỹ cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ có thể khiến cuộc đối đầu với Trung Quốc không leo thang hơn nữa. “Tôi coi đây là một biện pháp không chỉ ngăn chặn Chiến tranh Lạnh mà còn ngăn một cuộc xung đột thực sự bùng phát”./.