Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025: 'Bắc cầu' tìm vốn cho giấc mơ xanh
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư, chiều 15/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã diễn ra phiên thảo luận về 'Thúc đẩy đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới tại các nền kinh tế mới nổi'.
Điều phối phiên thảo luận là ông David McGinty, Giám đốc toàn cầu Mạng lưới Văn phòng khu vực và quốc gia, Viện Tài nguyên thế giới; cùng trao đổi có bà Tú Ngô, Đối tác quản lý Touchstone Partner Việt Nam; ông Justin Wu, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận biến đổi khí hậu khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phát triển bền vững toàn cầu của Ngân hàng HSBC; bà Shameela Soobramoney, Tổng giám đốc Viện Kinh doanh quốc gia Nam Phi; và ông Min Alexander Myoung Joon, Tổng giám đốc RE:harvest.

Các đại diện doanh nghiệp, tổ chức tài chính và nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia tham gia thảo luận về những rào cản cũng như hướng phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp. (Ảnh: Ngọc Anh)
Tại sự kiện, bà Tú Ngô, Đối tác quản lý Touchstone Partner cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up) khí hậu tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Do đó, khi lựa chọn các doanh nghiệp còn non trẻ để đầu tư, điều quan trọng không chỉ là mô hình kinh doanh khả thi hay thị trường tiềm năng, mà còn là yếu tố con người.
“Là người từng làm start-up, tôi hiểu rõ điều đầu tiên mà mọi nhà đầu tư đều tìm kiếm là một thị trường đủ lớn và một đội ngũ đủ tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi phải nói chuyện với hàng nghìn đội ngũ mỗi năm, và việc tìm được một đội thực sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là điều không dễ dàng”, bà chia sẻ.
Không giống như các ngân hàng có thể dựa vào dữ liệu tài chính để đánh giá, các quỹ đầu tư mạo hiểm như Touchstone Partner đặt niềm tin vào “yếu tố mềm” - những doanh nhân mà họ có thể hợp tác, cùng giải quyết vấn đề và tin tưởng.
Theo bà Tú Ngô, hiện các mô hình khởi nghiệp xanh thường chia thành hai nhóm: Nhóm đầu tiên là các mô hình đã được chứng minh tính hiệu quả trên thị trường như điện mặt trời, nông nghiệp thông minh; nhóm thứ hai là các doanh nghiệp theo hướng công nghệ sâu (deep-tech), sở hữu sáng chế hoặc công nghệ độc quyền có khả năng đóng góp lớn vào mục tiêu khử carbon và chuyển đổi xanh.
“Những sáng kiến như biến rác thải thành vật liệu giá trị cao hay sở hữu trí tuệ giúp giảm phát thải là những mô hình đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức trong việc kêu gọi đầu tư sớm. Với những doanh nghiệp này, chúng tôi cần đặt niềm tin vào tầm nhìn dài hạn của họ”, bà nói thêm.
Đối tác quản lý Touchstone Partner cũng bày tỏ kỳ vọng được tiếp tục đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp tại các phiên chuyên sâu trong khuôn khổ Hội nghị, qua đó mở rộng cơ hội kết nối và tìm kiếm đối tác đầu tư chiến lược.

Toàn cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: Ngọc Anh)
Tại phiên thảo luận, ông Justin Wu, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận biến đổi khí hậu khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phát triển bền vững toàn cầu của Ngân hàng HSBC chia sẻ góc nhìn về vai trò của ngân hàng trong hành trình chuyển đổi xanh và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Justin Wu chỉ rõ, HSBC xem việc đồng hành cùng khách hàng trong quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời hỗ trợ hình thành nền kinh tế mới dựa trên công nghệ và mô hình kinh doanh bền vững, là hai trụ cột chiến lược quan trọng.
Trong lịch sử hơn 150 năm hoạt động tại Việt Nam và châu Á, HSBC đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp khởi đầu từ những ý tưởng nhỏ, để rồi chuyển mình thành những tập đoàn lớn. “Chúng tôi luôn coi mình là ngân hàng của doanh nghiệp - đặc biệt là những doanh nghiệp có khát vọng, có ước mơ”, ông nhấn mạnh.
Khi nói về các start-up công nghệ khí hậu (climate tech), ông Wu cho biết, HSBC đang triển khai nhiều sáng kiến tại khu vực như HSBC Innovation Banking hay Pentagreen - một quỹ đầu tư vào các dự án hạ tầng khó huy động vốn...
Tuy nhiên, ông thẳng thắn thừa nhận rằng, trên hành trình từ ý tưởng tới quy mô thương mại, các start-up sẽ đối mặt với không ít rào cản, từ dòng tiền, năng lực vận hành, đến cả các rào cản pháp lý.
“Chúng tôi hiểu rằng nhiều doanh nghiệp đang nhận vốn từ nhiều nguồn khác nhau như quỹ tư nhân, tài trợ từ tổ chức phi lợi nhuận, hay các sáng kiến như P4G. Do đó, vai trò của ngân hàng không chỉ là cho vay, mà còn là ‘nắm tay’ họ vượt qua những chặng đường đầu tiên”, ông Wu khẳng định.
Còn theo bà Shameela Soobramoney, Tổng giám đốc Viện Kinh doanh quốc gia Nam Phi, các start-up thường gặp khó khăn trong việc xây dựng một đề án kinh doanh rõ ràng.
“Nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ đơn giản rằng họ cần một nhà đầu tư, nhưng lại không hiểu rõ nhà đầu tư đang tìm kiếm điều gì. Do vậy, chúng tôi đã tổ chức các phiên gặp gỡ giữa start-up và nhà đầu tư trong một không gian an toàn, nơi họ có thể trình bày ý tưởng và nhận phản hồi trực tiếp. Điều này giúp giảm áp lực cho các start-up, không còn cảm giác như đây là cơ hội duy nhất để gọi vốn, mà thay vào đó là một quá trình học hỏi và hoàn thiện”, bà nhận định.
Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác là khả năng điều hướng môi trường pháp lý, điều thường gây ra sự “lệch pha” giữa chính sách và thực tiễn. Bà Soobramoney dẫn ví dụ tại Nam Phi, nơi thuế nhập khẩu xe điện đang ở mức 34%, trong khi xe chạy động cơ đốt trong chỉ chịu 18%. Vì vậy, Viện Kinh doanh quốc gia Nam Phi đóng vai trò như cầu nối chính sách, phản hồi với chính phủ để điều chỉnh các rào cản chưa phù hợp.
Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn chỉ ra một điểm nghẽn phổ biến: Khoảng trống tài chính dành cho các doanh nghiệp nhỏ ở giai đoạn đầu.
“Rất nhiều công ty có tiềm năng nhưng chưa đủ lớn để tiếp cận vòng gọi vốn tiếp theo. Trong khi những doanh nghiệp tăng trưởng cao thường sớm được các nhà đầu tư săn đón vì bài toán lợi nhuận đã hiện ra trước mắt, doanh nghiệp nhỏ cần một cú hích để vượt qua ‘thung lũng chết’ (valley of death) - thời điểm dễ bị lãng quên nhất trong hành trình khởi nghiệp”, bà Soobramoney khẳng định.

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch (2018), Hàn Quốc (2021) và Colombia (2023) tổ chức và lần thứ tư tại Việt Nam (2025), tiếp tục khẳng định quyết tâm của P4G đóng góp vào sự phát triển xanh và bền vững của khu vực và thế giới, vì một hành tinh xanh và một tương lai xanh. (Ảnh: Việt Hoàng)
Bên cạnh đó, ông Min Alexander Myoung Joon, Tổng giám đốc RE:harvest, một start-up Hàn Quốc tiên phong trong tái chế phế phẩm thực phẩm thành sản phẩm có giá trị, cho rằng “tạo ra sự thay đổi chỉ là bước đầu, vấn đề quan trọng hơn là làm sao để duy trì và mở rộng tác động này một cách bền vững”. Hơn hết, thách thức lớn nhất mà start-up hiện nay phải đối mặt là phải xây dựng cầu nối giữa nhu cầu tạo tác động và yêu cầu đầu tư dài hạn. Không chỉ doanh thu, mà tác động đến chính sách, tín chỉ carbon và định hình tương lai bền vững mới là “giá trị gia tăng” mà nhà đầu tư kỳ vọng.
Ông Joon cũng nhấn mạnh về khoảng trống trong hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước đang phát triển, đặc biệt là sự thiếu vắng những quỹ đầu tư gián tiếp (fund of funds) do chính phủ bảo trợ. Theo ông, khu vực tư nhân không thể “đơn độc gánh vác” toàn bộ vai trò ươm tạo và tăng trưởng cho start-up, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ start-up vượt qua các vòng gọi vốn đầu tiên vẫn còn thấp. Nếu có các quỹ đầu tư tập trung vào giá trị dài hạn, khả năng gọi vốn sẽ thực tế và bền vững hơn.
Theo ông Joon, cũng nhìn nhận rằng chính sách giữ vai trò tối quan trọng trong việc “giảm thiểu rủi ro đầu tư”. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ rủi ro chính sách không nên là trách nhiệm chỉ của start-up, mà cần đến sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý. Start-up có thể xây dựng các kịch bản linh hoạt song cần được hỗ trợ bởi tư duy hoạch định chính sách theo hướng khởi nghiệp, linh hoạt và thực tiễn hơn.
Trong phần thảo luận sau đó, các chuyên gia cũng đồng tình rằng ngoài việc hỗ trợ tài chính, cần có cơ chế để các start-up được thử nghiệm thực tế thông qua những dự án thí điểm, từ đó giúp nhà hoạch định chính sách nắm bắt rõ thực trạng và đưa ra quyết định phù hợp. Đồng thời, chính các tổ chức tài chính và cơ quan chính sách cũng cần thay đổi tư duy, trở nên chủ động, linh hoạt và mang tinh thần khởi nghiệp hơn, từ đó tạo điều kiện cho các giải pháp đổi mới sáng tạo phát triển.
Các Phiên thảo luận về "Thúc đẩy công nghệ khí hậu: Vai trò của hợp tác công - tư", "Thúc đẩy đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới tại các nền kinh tế mới nổi", cùng với Hoạt động kết nối đầu tư và kết nối kinh doanh, Cuộc họp Đại diện quốc gia các nước thành viên P4G, các phiên kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư... trong ngày 14-15/4 là những hoạt động mở màn Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư tại Thủ đô Hà Nội.
Lễ khai mạc chính thức diễn ra vào chiều mai 16/4.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G - cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).