Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn sẽ tập trung vào hợp tác trong tương lai
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thư ký của Ban thư ký Hợp tác ba bên (TCS) – một tổ chức quốc tế thúc đẩy quan hệ giữa ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, hội nghị thượng đỉnh được đề xuất sắp tới giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc sẽ là diễn đàn để thảo luận về quan hệ hợp tác định hướng tương lai.
Theo Tổng thư ký TCS Lee Hee-sup, việc thể chế hóa sự hợp tác giữa ba nước là “điều quan trọng nhất”.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc dự kiến sẽ gặp nhau tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vào cuối tháng này. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ba nước láng giềng châu Á kể từ năm 2019.
Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn tới đây được xem là cơ hội để vực dậy sự hợp tác ba bên vốn bị đình trệ trong những năm gần đây do đại dịch COVID-19. Tổng thư ký TCS Lee Hee-sup cho rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa ba nước có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chồng chéo của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và các cuộc xung đột khu vực như ở Ukraine và Dải Gaza.
Theo nhận định, các nhà lãnh đạo của ba nước sẽ thảo luận về việc hợp tác trên nhiều mặt, tập trung vào các lĩnh vực như giao lưu nhân dân, chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, y tế công cộng và các biện pháp ứng phó với tình trạng xã hội già hóa, các vấn đề kinh tế và thương mại, cũng như hòa bình và an ninh. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo sẽ đặc biệt tập trung vào việc thúc đẩy giao lưu giữa các thế hệ tương lai.
Theo tổ chức TCS, quan hệ đối tác ba bên giữa các nước láng giềng châu Á Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được thiết kế để cải thiện sinh kế và nền kinh tế, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang thúc đẩy hợp tác an ninh ba chiều. Hai khuôn khổ này bổ sung cho nhau vì mục tiêu và lợi ích của chúng về cơ bản là khác nhau.
Quan hệ đối tác ba bên Trung - Nhật - Hàn được duy trì do sự cần thiết của việc hợp tác lẫn nhau, ngay cả trong bối cảnh quan hệ song phương lạnh nhạt. Tổng thư ký Lee cho biết, việc thể chế hóa hợp tác có thể giúp các xung đột được giải quyết thông qua đối thoại, và giúp các nước quản lý các tình huống khó khăn.
Liên quan đến những khác biệt giữa Trung Quốc và hai nước còn lại trong cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên, ông Lee cho rằng không quốc gia nào muốn căng thẳng gia tăng ở Đông Bắc Á, thể hiện rõ ở việc Ban thư ký Hợp tác ba bên được thành lập với mục tiêu đạt được hòa bình bền vững.
Được biết, lãnh đạo ba nước đã luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác trong việc giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên mỗi khi căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên.
Thực tế cho thấy hợp tác ba bên giữa Trung - Nhật - Hàn đã đạt những tiến bộ đáng kể kể từ khi ra mắt vào năm 1999. Thương mại giữa ba nước đã tăng từ 130 tỷ USD lên 780 tỷ USD vào năm 2022 và giao lưu nhân dân cũng ngày càng mở rộng.
Quan trọng hơn, hợp tác ba bên cũng có thể là cơ hội để cải thiện các mối quan hệ song phương, biến đây thành một “tài sản ngoại giao quan trọng” đối với cả ba nước, TCS nhấn mạnh.