Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới: Cảnh báo chủ nghĩa dân tộc về vaccine
Ngày 24/10, Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới đã khai mạc tại thủ đô Berlin của Đức. Đây là một trong số diễn đàn quốc tế thường niên quan trọng nhất về sức khỏe toàn cầu.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang phải tiếp tục gồng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, vốn đã lây lan cho trên 244 triệu người và hơn 4,96 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Với vai trò là một trong các nhà bảo trợ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gửi thư chúc mừng Hội nghị. Theo nhà lãnh đạo Đức, đại dịch Covid-19 tiếp tục là thách thức to lớn với thế giới với những biến thể mới hay triệu chứng Covid kéo dài mà thế giới chỉ có thể cùng hợp tác mới vượt qua được đại dịch.
Nhấn mạnh việc phân bổ vaccine một cách công bằng, Thủ tướng Merkel nêu rõ, mọi người dân trên thế giới cần được tiếp cận với vaccine và đây là con đường duy nhất để vượt qua đại dịch.
Bà Merkel đánh giá, sáng kiến phân bổ vaccine COVAX của Liên hợp quốc (LHQ) là quan trọng nhất và thế giới sẽ chỉ có thể đạt được thành công bền vững thông qua hành động đa phương và đoàn kết quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước G20 hãy huy động và đóng góp khoảng 8 tỷ USD cho chương trình phân phối công bằng vaccine Covid-19 trên toàn cầu.
Người đứng đầu LHQ cho rằng, có tới 3/4 số lượng vaccine hiện nay thuộc về các nước có thu nhập cao và trên trung bình, đồng thời chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề vaccine đang khiến cả thế giới ở trong tình trạng nguy hiểm.
Ông cho rằng, thế giới cần có ngay khoảng 8 tỷ USD dành cho công tác đảm bảo phân phối vaccine công bằng và chính vì vậy, LHQ kêu gọi các nước G20 hãy hỗ trợ, giúp đỡ cho mục tiêu này.
Ông Guterres cũng nhấn mạnh, các công ty sản xuất vaccine cũng như các nước đều có trách nhiệm hoàn thành cam kết của mình trong chia sẻ vaccine, trao đổi công nghệ và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để nhiều nước khác có thể sản xuất được vaccine chống dịch.
Tương tự LHQ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ và các nhà sản xuất cần cung cấp nhiều vaccine hơn nữa, đặc biệt là cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và đây là cách duy nhất để kiểm soát đại dịch Covid-19.
Theo người đứng đầu WHO, mục tiêu của tổ chức y tế đa phương lớn nhất thế giới này là có ít nhất 40% người dân ở mỗi quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm nay, đồng thời cho rằng, mục tiêu này là "có thể đạt được".
Cũng theo ông Ghebreyesus, các quốc gia đã đạt hạn ngạch tiêm chủng ít nhất 40% (gồm tất cả các nước nhóm G20) nên ưu tiên cho chương trình tiêm chủng COVAX của LHQ hoặc sáng kiến mua vaccine của châu Phi (AVAT).
Ông Ghebreyesus cảnh báo không quốc gia nào có thể chấm dứt đại dịch khi tự cô lập với phần còn lại của thế giới.
Lưu ý những tổn thất mà Covid-19 đã gây ra cho thấy rõ rằng, thế giới cần một cấu trúc y tế toàn cầu mạnh mẽ hơn và cam kết chính trị ở mức cao, Tổng giám đốc WHO kêu gọi xây dựng một hiệp ước hoặc một thỏa thuận toàn cầu để ngăn chặn và ứng phó với đại dịch.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng lên tiếng ủng hộ hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn trong nỗ lực chống đại dịch, cho rằng, các mối đe dọa sức khỏe không biên giới phải được chống lại bằng cách hợp tác và ứng phó xuyên biên giới.
Bà von der Leyen kêu gọi xây dựng tiêu chuẩn toàn cầu về sẵn sàng ứng phó trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới 2021, diễn ra thường niên từ năm 2009 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Bệnh viện Charité ở Berlin, sẽ kéo dài trong 3 ngày từ 24-26/10, với sự xuất hiện trực tiếp của một số chính khách và diễn giả tại Berlin, trong khi phần lớn Hội nghị được tiến hành theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị năm nay sẽ tập trung vào các chủ đề như chiến lược toàn cầu nhằm ứng phó và ngăn chặn đại dịch; vai trò của Đức, châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong chăm sóc sức khỏe toàn cầu và phân bổ công bằng vaccine; cũng như biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu.
Trên 6.000 người từ các lĩnh vực y tế, chính trị và kinh tế cùng 380 diễn giả từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham dự Hội nghị, được Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Chủ tịch EC và Tổng giám đốc WHO đồng bảo trợ.
Theo số liệu của tổ chức "Our World in Data", cho tới nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trung bình toàn thế giới đạt 37,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ rất khác nhau ở các châu lục và giữa các nước ở từng châu lục.
Trong khi những nước giàu có đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, thậm chí nhiều nước phương Tây đã tiến hành tiêm mũi tăng cường, thì tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi vẫn còn rất thấp với chỉ một con số, đặc biệt ở châu Phi. Tại Đức tới nay đã có 66,2% dân số được tiêm đầy đủ và 69,1% được tiêm ít nhất một mũi.
Hồi đầu tháng Mười, ông Guterres đã cùng với Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus phát động chiến lược vaccine Covid-19 toàn cầu, trong đó hoạch định một kế hoạch mang tính khả thi và hiệu quả về mặt chi phí nhằm cung cấp vaccine cho khoảng 40% người dân các nước từ nay đến cuối năm và cho khoảng 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.