Hội nghị Tổng kết 10 năm chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm (2013-2023) và triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Công an với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về đẩy mạnh phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới' giai đoạn 2023-2033. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị ông Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới”; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương cùng 135 tập thể tiêu biểu đại diện cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên và Công an các tỉnh, thành phố được khen thưởng tại Hội nghị.
Cụ thể hóa phương châm “Dân là gốc”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, thấm nhuần quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng, Đảng ta rất coi trọng vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, sức mạnh của Công an nhân dân bắt nguồn từ mối liên hệ, sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của Nhân dân. Nhân dân là cuội nguồn sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
“Quán triệt sâu sắc chỉ dẫn ấy, sự ra đời của phong trào “Toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc” là sự cụ thể hóa phương châm “Dân là gốc”, phong trào là hình thức cơ bản để tập hợp, thu hút, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao năng lực hoạt động của đông đảo Nhân dân tham gia giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây cũng là điều kiện cơ bản để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh Tổ quốc.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, qua 10 năm thực hiện, Chương trình phối hợp, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) từ Trung ương đến địa phương có bước phát triển mới, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, khơi dậy sức mạnh to lớn của Nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội.
Công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến địa phương ngày càng bền chặt. Lực lượng Công an, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên luôn chủ động, tích cực bám dân, bám địa bàn; chủ động nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng trong Nhân dân; tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; chủ động phát hiện sớm, đấu tranh và phòng ngừa có hiệu quả với mọi hoạt động xuyên tạc, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, thông qua công tác phối hợp, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể cùng với lực lượng Công an nhân dân từ Trung ương đến địa phương không ngừng được rèn luyện và trưởng thành, bám sát thực tiễn, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, vì lợi ích của Nhân dân.
Các tầng lớp Nhân dân đã tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước; giữ gìn an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn xã hội; tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, thực hiện các biện pháp tự quản, tự phòng, tự bảo vệ; xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường "An toàn về an ninh, trật tự"; tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
“Nhiều mô hình nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự được xây dựng, đã và đang phát huy tác dụng. Kết quả thực hiện phong trào “toàn dân bảo vệ ANTQ” thời gian qua đã góp phần quan trọng vào củng cố và phát huy thế trận an ninh Nhân dân; tạo điều kiện rất thuận lợi và cơ bản thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua 10 năm thực hiện, trước những yêu cầu mới và bối cảnh, tình hình mới, việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào cả ở Trung ương và địa phương, cơ sở đã và đang bộc lộ không ít những khó khăn, bất cập cần phải có giải pháp, biện pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
“Hội nghị là dịp để hai bên đánh giá toàn diện, thực chất việc phối hợp với các nội dung chủ yếu về: Công tác tham mưu để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; chất lượng hoạt động và công tác phối hợp của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân; kết quả thực hiện công tác xây dựng phong trào trên tất cả các mặt công tác. Trên cơ sở đó thống nhất ký Chương trình phối hợp mới thay thế Chương trình phối hợp số 09 phù hợp với tình hình thực tế giai đoạn mới.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.
Huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” nêu rõ, qua 10 năm triển khai, thực hiện chương trình phối hợp số 09 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với Bộ Công an, công tác đẩy mạnh thực hiện phong trào bảo vệ ANTQ trong tình hình mới đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng.
Phong trào đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; đồng thời tiếp tục khẳng định rõ vai trò, hiệu quả mối quan hệ phối hợp gắn bó truyền thống giữa lực lượng Công an với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong công tác xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được đẩy mạnh, có bước phát triển mới, gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước, địa phương với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả; nhiều mô hình, điển hình hiệu quả được phổ biến, nhân rộng góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Ban Chỉ đạo “PCTP, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” địa phương, cơ sở hoạt động có chiều sâu, đạt nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng.
Trong 10 năm qua lực lượng Công an, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thường xuyên phối hợp đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình các địa bàn, lĩnh vực, chú trọng tại các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, biển đảo, vùng tập trung đồng bào dân tộc, tôn giáo nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đối với công tác tuyên truyền, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với MTTQ Việt Nam, cơ quan thông tin, truyền thông tập trung tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Điểm mới trong công tác tuyên truyền thời gian qua là việc phát huy hiệu quả của hệ thống công nghệ thông tin như facebook, zalo, Viber… trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, qua đó đã góp phần phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
Lực lượng Công an, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp cũng thường xuyên đổi mới công tác xây dựng phong trào phù hợp với tình hình các địa bàn, lĩnh vực, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới, biển đảo, vùng tập trung đồng bào dân tộc, tôn giáo nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm về phát huy vai trò của người có uy tín trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và trong đồng bào dân tộc thiếu số; phối hợp tổ chức có hiệu quả “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”, “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Ngày hội biên phòng toàn dân”... tại các địa phương, cơ sở.
Nhiều mô hình về đảm bảo an ninh trật tự đã được áp dụng và nhân rộng như: mô hình “Khu dân cư an toàn lành mạnh”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Hàng rào an ninh”, “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Dòng họ an toàn”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, mô hình giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng...
Ban Chỉ đạo các địa phương tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các chủ trương, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, phát động quần chúng Nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tham gia quản lý, giáo dục đối tượng ở cơ sở, giúp đỡ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, phối hợp giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp không để hình thành các điểm nóng về ANTT ở cơ sở. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19, lực lượng Công an, MTTQ, các tổ chức thành viên có nhiều hoạt động thiết thực đảm đảo an ninh, an toàn, giúp đỡ Nhân dân vượt qua khó khăn trong đại dịch…
Đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phong trào
Để tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày nội dung Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” giai đoạn 2023 – 2033.
Theo đó, hai bên tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhằm xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân “vững chắc”. Xây dựng và phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các địa bàn, lĩnh vực; trong đó, chú trọng các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng tập trung đồng bào theo tôn giáo, các cơ sở giáo dục, khu kinh tế tập trung, đô thị lớn và các khu vực trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự.
Phối hợp vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tai, tệ nạn xã hội, lên án những hành vi vi phạm pháp luật, giám sát người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, hai bên cần cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong xây dựng, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (19/8) và “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” (18/11); tổ chức đăng ký thi đua, triển khai, xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục “An toàn về an ninh, trật tự”, xây dựng xã, phường, thị trấn điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Lấy phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT đến từng cơ quan, đơn vị
Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra cho công tác bảo vệ an ninh trật tự trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của các lực lượng làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên với Bộ Công an trong thời gian tới, lực lượng CAND phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; Tiếp tục phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân vững chắc.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đề nghị, căn cứ vào Chương trình phối hợp mới, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ cấp tỉnh và các tổ chức thành viên triển khai Chương trình phối hợp mới và tham mưu Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, thực hiện các nội dung Chương trình phối hợp từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng thời tổ chức quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chương trình phối hợp và biện pháp tổ chức thực hiện để các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực xây dựng, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm. Hằng năm, MTTQ và lực lượng Công an cùng cấp tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, các cơ quan cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, những thông tin và luận điệu xuyên tạc, âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động chống đối, cơ hội chính trị; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Phối hợp vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tổ chức các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” tạo điểm nhấn, có sức lan tỏa trong phong trào, đặc biệt là các cấp cơ sở.
“Cần tăng cường phối hợp tham mưu, đổi mới nội dung, hình thức, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đảm bảo thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng lĩnh vực, địa bàn. Tập trung xây dựng, củng cố phong trào ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, khu vực tập trung đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT”, Bộ trưởng Tô Lâm gợi mở và cho rằng cần phát triển phong trào theo hướng xã hội hóa, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, lấy phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT đến từng cơ quan, đơn vị, nhà trường, khu dân cư, từng gia đình; xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT; lựa chọn, xây dựng những mô hình tiêu biểu, nhân rộng trên các địa bàn, các loại hình tổ chức có đặc điểm tương đồng…
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị cần chú trọng việc củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng CAND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo “Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” Trung ương và Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở; đồng thời quan tâm, củng cố, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thuộc lực lượng CAND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp; đặc biệt là lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở và cán bộ làm công tác xây dựng phong trào ở cơ sở.
“Riêng lực lượng CAND triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy một số đơn vị thuộc các Cục ở Bộ và Công an địa phương; xây dựng “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị”.”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời cảm ơn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp trong thời gian qua đã thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; đồng thời mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí để lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, chia sẻ, sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân, nếu không có sự ủng hộ, tham gia của người dân thì lực lượng Công an và các lực lượng chức năng khác không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an và ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” giai đoạn 2023 – 2033.
Tại Hội nghị, Bộ Công an đã tặng Bằng khen 64 tập thể và 125 cá nhân; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 64 tập thể và 64 cá nhân thuộc lực lượng Công an Nhân dân vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” giai đoạn 2013-2023.