Hội nghị tổng kết 14 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp
Ngày 3/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 14 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc. Hội nghị có sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Giải quyết hàng nghìn vụ việc dân sự, kinh tế, dẫn độ hình sự mỗi năm
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đem lại nhiều cơ hội phát triển mọi mặt, trong đó đặc biệt là các quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại và các giao lưu giữa các cá nhân và pháp nhân Việt Nam với nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực từ hội nhập quốc tế thì Việt Nam cũng phải giải quyết nhiều vấn đề pháp lý phát sinh, từ các vụ việc dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài đến vấn đề tội phạm xuyên quốc gia.
Trong nhiều trường hợp cụ thể, để giải quyết đúng, khách quan, hiệu quả vụ việc thì cần có hợp tác quốc tế giữa các cơ quan tư pháp Việt Nam với các cơ quan của các quốc gia khác mà được biết đến là sự hợp tác về tương trợ tư pháp (TTTP). Hằng năm, các cơ quan của Việt Nam và nước ngoài đã yêu cầu và tiếp nhận số lượng lớn các TTTP về ủy thác tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định Luật TTTP năm 2007 có ý nghĩa quan trọng, đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TTTP trong cả 04 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Luật TTTP cùng với các Điều ước quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực này đã tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp Việt Nam hợp tác, giải quyết hàng nghìn vụ việc dân sự, kinh tế, dẫn độ hình sự mỗi năm.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường cùng với sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 - cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới xác định “Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế” đã đặt ra yêu cầu cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc tổ chức thi hành Luật TTTP để có thể tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực này.
Vì vậy, Hội nghị tổng kết 14 năm thi hành Luật TTTP là cơ hội tốt để đánh giá những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại, đặc biệt là nhận diện được những thách thức, yêu cầu đối với công tác TTTP để đưa ra những kiến nghị về sửa đổi, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Hỗ trợ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Luật TTTP, lãnh đạo Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp khẳng định: Luật TTTP đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, nâng cao hiệu quả hợp tác với nước ngoài trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, qua đó rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan tố tụng, gián tiếp góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, đối với hoạt động TTTP hình sự, dẫn độ, Luật TTTP đã hỗ trợ hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; đối với hoạt động chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Luật TTTP đã góp phần bảo đảm quyền con người - người bị kết án phạt tù được tạo điều kiện được thi hành án tại quốc gia của mình.
Công tác Điều ước quốc tế về TTTP trong cả 04 lĩnh vực đã đi vào nề nếp, nghiêm túc và thống nhất quy trình thủ tục đàm phán, ký kết được quy định tại Luật điều ước quốc tế năm 2016. Điều quan trọng là Luật TTTP đã đem lại cơ sở pháp lý trong nước giúp cho việc đàm phán các Hiệp định TTTP được thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ giữa trong nước với Điều ước quốc tế.
Cùng với đó, công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về TTTP được liên ngành quan tâm. Công tác tổ chức thực hiện ủy thác tư pháp, đặc biệt là quy trình, thủ tục lập hồ sơ ủy thác tư pháp ở các cơ quan Trung ương cũng như địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ số hồ sơ bị trả lại do không hợp lệ đã giảm xuống, góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực, tài lực thực hiện.
Công tác bố trí nguồn nhân lực được quan tâm, với sự hình thành các bộ phận đầu mối được chuyên môn hóa tại các bộ, ngành trung ương nên hoạt động TTTP dần dần đi vào nề nếp, việc xử lý các hồ sơ ủy thác tư pháp chuyên nghiệp, nhanh, hiệu quả. Cùng với đó trang thiết bị, phương tiện làm việc trang cấp cho công tác này đảm bảo đã hỗ trợ tích cực cho các công chức trong giải quyết nhiệm vụ hàng ngày.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong việc thực hiện Luật TTTP, từ đó nhận diện các nguyên nhân và đề xuất hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số tham luận và cùng trao đổi, thảo luận xoay quanh một số nội dung về thực thi Luật TTTP trong lĩnh vực hình sự và đề xuất xây dựng Luật TTTP về hình sự; thực thi Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, đề xuất xây dựng Luật trong hoạt động này; tác động của Luật TTTP đối với hoạt động tố tụng tại TAND….
Nhân dịp này, Hội nghị đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình thực hiện Luật TTTP.