Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Sáng 13/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng hình thức trực tuyến trên toàn quốc.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Tiến Châu, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố.
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều, trong đó đề cập tới các nội dung quan trọng như thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; thanh tra nhân dân; trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở… Sau khi được trình, và tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Thông báo số 831/TB-TTKQH ngày 26/3/2022, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được đưa ra lấy ý kiến phản biện xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Tại hội nghị, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp đã tập trung ý kiến phản biện về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc thể chế quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thể hiện trong dự thảo luật;
Quy định về bảo đảm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong các loại hình cơ sở, đặc biệt là những quy định dân chủ cơ sở ở cấp xã, khu dân cư, về những nội dung liên quan dân bàn, dân biểu quyết trực tiếp nên mở rộng, bổ sung như thế nào cho phù hợp; về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong dự thảo luật; việc kế thừa, phát triển các quy định về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND cấp xã…
Tham gia phản biện vào các nội dung của dự án Luật, đại biểu tỉnh Ninh Bình đề nghị Ban soạn thảo cần kế thừa và phát huy những nội dung đảm bảo dân chủ của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 mà trọng tâm là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ trì và mở rộng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này cả ba cấp ở địa phương.
Cần quy định về việc MTTQ chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các cấp. Thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của chính quyền các cấp là cơ sở quan trọng cho việc hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người có đức, có tài để bầu vào chính quyền các cấp ở địa phương, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định tầm quan trọng, phạm vi tác động rộng, nội dung phong phú và độ phức tạp cao của Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời cho rằng, cần phải nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn những vấn đề lý luận, các hình thức, khái niệm, từ đó tạo sự thống nhất, đồng bộ; nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, giúp cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"…
Nếu dự thảo Luật được thông qua và tổ chức thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, là cơ sở pháp lý đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan nghiên cứu thấu đáo, rà soát kỹ để đảm bảo dự án Luật liên thông, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Đồng chí ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung phản biện tại hội nghị cũng như các ý kiến chuyển bằng văn bản để gửi tới Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan.