Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023

Sáng 13/7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình.

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, từ đầu năm, ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tài chính - ngân sách đã đề ra; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; kiểm soát giá cả, thị trường; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, giữ ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.

Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách Trung ương đạt 57,1% dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 50,6% dự toán); miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng.

Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo các kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội cho nhân dân.

6 tháng cuối năm, dự báo nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính- ngân sách Nhà nước năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra.

Tại Ninh Bình, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh tiếp tục được duy trì và có bước phát triển, cụ thể: Tổ chức cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, an toàn, tiết kiệm; kinh tế tiếp tục phát triển khá, GRDP tăng 7,56% so với 6 tháng đầu năm 2022; phong trào xây dựng nông thôn mới được quan tâm; dịch vụ phục hồi và có bước phát triển; văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo.

Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm là 7.476,9 tỷ đồng, đạt 33,4% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 69,4% so với cùng kỳ năm 2022. Chi thường xuyên đã đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng và chi trả kịp thời các khoản chi theo chế độ, đặc biệt là các khoản chi tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương, các chế độ, chính sách an sinh xã hội theo quy định.

Ngành Tài chính đã làm tốt công tác tham mưu việc tổ chức điều hành thực hiện công tác thu NSNN trên địa bàn, đồng thời nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong công tác quản lý thu NSNN, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở ngành, UBND các huyện, thành phố, sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để duy trì, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trên cơ sở dự báo tình hình trong thời gian tới, các đại biểu đã thảo luận về những giải pháp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Trong đó, tập trung vào một số chuyên đề về cải cách hành chính, các giải pháp về chính sách tài khóa - tiền tệ, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát giá cả thị trường, kiểm soát nợ công.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Tài chính trong thời gian qua, đồng thời đề nghị tiếp tục phân tích, dự báo kịp thời, diễn biến tình hình, có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn; tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, điều hành mở rộng chính sách hợp lý; thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa tiền tệ đã ban hành; quyết liệt trong cân đối thu chi ngân sách Nhà nước;

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; cắt giảm những khoản chi ngân sách Trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến nay chưa phân bổ; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, nhất là trong quản lý hóa đơn điện tử đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.

Tiến Đạt - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-so-ket-cong-tac-tai-chinh-ngan/d20230713135919333.htm