Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác ngoại giao kinh tế năm 2022
Tối 21-1, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) năm 2022. Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Sở Ngoại vụ, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Năm 2021, công tác NGKT đã được triển khai nhanh nhạy, quyết liệt, đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển mới, đạt nhiều thành tích nổi bật, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao. Điểm sáng nhất của NGKT năm 2021 là ngoại giao vắc-xin. Việt Nam đã kịp thời, quyết liệt hành động để triển khai thành công chiến lược ngoại giao vắc-xin. Điều này có ý nghĩa quyết định đưa đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đóng góp quan trọng để đất nước bắt nhịp với xu thế phục hồi, phát triển của thế giới.
Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu phục vụ điều hành của Chính phủ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cũng mang nhiều dấu ấn nổi bật. Trên cơ sở nắm chắc tình hình và tổng hợp các xu thế, kinh nghiệm quốc tế, ngành ngoại giao đã chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước, Chính phủ ra quyết sách về chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn với dịch COVID-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi tư duy, thay đổi chính sách để bắt kịp với xu thế phát triển mới.
NGKT đã góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, tạo lập nền tảng để phát triển trong dài hạn thông qua việc tiếp tục duy trì, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Từ tháng 10-2021, ngay khi thế giới và trong nước chuyển sang thích ứng, sống chung với dịch bệnh, Việt Nam đã tranh thủ đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại trực tiếp, trong đó nhấn mạnh các nội hàm về kinh tế, góp phần tháo gỡ nhiều rào cản, thúc đẩy nhiều dự án hợp tác với các đối tác kinh tế - thương mại chủ chốt của Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến kinh tế đối ngoại, hỗ trợ, kết nối địa phương, doanh nghiệp nắm bắt các xu thế mới, ngoại giao ứng phó biến đổi khí hậu, công tác biên giới lãnh thổ, bảo hộ công dân, thông tin đối ngoại… cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo hướng tập trung phục hồi, phát triển đất nước.
Năm 2022, đất nước triển khai nhiều mục tiêu lớn, trong đó ưu tiên hàng đầu là vượt lên đại dịch, trở lại trạng thái bình thường; phục hồi kinh tế, bắt kịp đà phục hồi kinh tế thế giới; nắm bắt và bước đầu tận dụng các xu thế lớn của kinh tế thế giới để phục vụ phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước. Trên cơ sở đó, công tác NGKT sẽ bám sát yêu cầu trong nước với 3 mục tiêu chính: Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tạo thuận lợi chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tiếp tục triển khai ngoại giao phục vụ phát triển “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Thảo luận tại hội nghị, các các tỉnh, thành phố, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tập trung phân tích, đánh giá kết quả công tác NGKT đạt được trong năm 2021, đồng thời đưa ra các giải pháp định hướng lớn để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm 2022.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ ngoại giao biểu dương và đánh giá cao những thành tích trong triển khai công tác NGKT năm 2021. Để thực hiện tốt phương châm “Quyết liệt, đổi mới, chủ động thích ứng, hiệu quả, sáng tạo” ngành ngoại giao đề ra trong năm 2022, đồng chí Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị: Các tỉnh, thành phố, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phục vụ chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc-xin, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin để phấn đấu tự chủ về vắc-xin và thuốc điều trị, phục vụ cho việc thích ứng lâu dài với dịch bệnh và mở cửa đi lại, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh theo dõi, thông tin, cảnh báo về tình hình dịch bệnh, kinh nghiệm của các nước về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương trong hoạch định chính sách và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động NGKT, tạo dựng, củng cố nền tảng hợp tác kinh tế phục vụ cho phục hồi, phát triển đất nước trong dài hạn. Nâng tầm công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược, theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực, kịp thời phát hiện những diễn biến quan trọng tác động đối với Việt Nam để tham mưu cho Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô.
Để mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với các đối tác, đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao yêu cầu các tỉnh, thành phố, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập trung thúc đẩy, hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, chú trọng nâng tầm giá trị, thương hiệu hàng hóa. Xây dựng kế hoạch hợp tác tổng thể với từng đối tác, trong đó tăng nội hàm về kinh tế, đồng thời đôn đốc các lĩnh vực hợp tác để chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao. Hình thành cơ chế phối hợp liên ngành trong một số vấn đề mới và lĩnh vực ưu tiên như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh…, tạo động lực bứt phá cho tăng trưởng kinh tế.
Cùng với việc nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế cần đưa các hoạt động NGKT đến gần hơn với các địa phương, doanh nghiệp với tinh thần “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương; tăng tính thực chất và hiệu quả trong tổ chức các đoàn công tác thăm và làm việc tại các địa phương. Xây dựng và củng cố mạng lưới hợp tác với các hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động kết nối với các tập đoàn lớn, các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần cụ thể hóa ngoại giao tập đoàn và gắn kết hơn nữa giữa Bộ Ngoại giao với các hiệp hội, doanh nghiệp.