Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Sáng 25-2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Ðoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Sáng 25-2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Ðoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc.
Năm 2019, toàn ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu và cơ bản hoàn thành toàn diện các lĩnh vực y tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: Hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao năm 2019 (số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 27,5, chỉ tiêu giao 27; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 90% dân số, chỉ tiêu giao 88,1%). Ðạt và vượt 8/11 các chỉ tiêu y tế cơ bản. Toàn ngành tiếp tục triển khai và hoàn thành một số nhiệm vụ theo các Nghị quyết Trung ương về công tác y tế, dân số. Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 sau 4 năm triển khai tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Số ca mắc, tử vong của các bệnh dịch nguy hiểm như lao, phong, sốt rét, HIV/AIDS giảm. Tính đến ngày 18-12-2019, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 210.051 người, số bệnh nhân AIDS là 97.015 người, số bệnh nhân HIV tử vong 98.512 trường hợp. So với tháng 11-2019, số trường hợp nhiễm HIV tăng 23 trường hợp, số bệnh nhân AIDS được báo cáo tăng 20 trường hợp, số tử vong báo cáo tăng 25 trường hợp. Toàn quốc đã có 330 cơ sở điều trị methadone tại 63 tỉnh, thành phố với 52.089 bệnh nhân. Toàn ngành bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ > 90% cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (đặc biệt là sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng), nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng. Thực hiện các giải pháp tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, triển khai tiêm chủng lưu động. Các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được tăng cường; hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với năm 2018. Xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình, đang triển khai nhân rộng trên toàn quốc; nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Bảo đảm an toàn thực phẩm đạt kết quả tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm. Tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số về thể chất được chú trọng. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh giảm từ 114,8 năm 2018 xuống 111,5 bé trai/100 bé gái năm 2019. Tuổi thọ trung bình tăng từ 73,5 năm 2018 lên 73,6 năm 2019. Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở các tuyến, sự hài lòng của người dân ngày càng tăng lên. Thực hiện nhiều giải pháp để phát triển y dược cổ truyền. Tổ chức bộ máy của ngành ở cả Trung ương và địa phương tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ðảm bảo cung ứng đủ thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, thiết bị y tế có chất lượng và giá hợp lý cho khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Năm 2020, ngành Y tế phấn đấu thực hiện 9 chỉ tiêu; trong đó, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao 2 chỉ tiêu: số giường bệnh/1 vạn dân là 28 giường; tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 90,7%. Ðể thực hiện các mục tiêu đề ra, ngành Y tế đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Y tế và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức. Nâng cao năng lực và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Phát triển nhân lực y tế và ứng dụng khoa học công nghệ. Ðầu tư xây dựng các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe. Ðẩy mạnh thực hiện Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm.
Hội nghị cũng triển khai một số nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam chúc mừng các cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020); đồng thời ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực và những kết quả đạt được trên mọi mặt của ngành Y tế trong năm 2019; đặc biệt, hiện nay các thầy thuốc, các cấp, các ngành, các lực lượng đang tích cực tham gia chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm COVID-19 và bước đầu đã kiểm soát tốt. Nước ta đã chủ động triển khai sớm các biện pháp phòng dịch bệnh và ở mức cao hơn cảnh báo của tổ chức Y tế thế giới, xây dựng các kịch bản, lường đến tình huống xấu nhất để chủ động đối phó, với phương châm: “Phải ngăn chặn triệt để; phát hiện sớm nhất; cách ly ngay lập tức; khoanh vùng gọn và dập tắt dịch bệnh triệt để”. Công tác truyền thông triển khai hiệu quả đã giúp người dân hiểu đúng về nguy cơ, cơ chế lây nhiễm, cách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tránh được tư tưởng hoang mang thái quá cũng như chủ quan, buông lỏng công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; các ngành, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ người đến từ vùng dịch; kiên quyết thực hiện cách ly đúng theo quy định. Ðẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống dịch bệnh của người dân. Cùng với chống dịch, các địa phương cần sớm đưa cuộc sống của người dân ổn định trở lại. Từ thực tiễn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngành Y tế vừa làm, vừa đúc rút bài học kinh nghiệm để phòng, chống dịch bệnh thật tốt, vì sức khỏe nhân dân./.