Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2025

Sáng 24/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương liên quan.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Trần Minh

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Trần Minh

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí TUV: Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế và các ngành liên quan.

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Năm 2024, toàn ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu và cơ bản hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, đạt và vượt 11/12 các chỉ tiêu y tế cơ bản, trong đó 7 chỉ tiêu vượt gồm: Số giường bệnh/vạn dân đạt 34%; số bác sĩ/vạn dân đạt 14%; tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) đạt 74,6 tuổi; số dược sĩ đại học/vạn dân đạt 3,3%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi 17,8%;... Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế được đẩy mạnh. Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế… Nhiều văn bản, chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt như mua sắm, đầu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế... Toàn ngành tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Các dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện các chùm ca bệnh, ổ dịch lớn trong cộng đồng, đặc biệt là xử lý kịp thời các ca bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau cơn bão số 3. Công tác phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh không lây nhiễm, quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường. Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án về công tác dân số; trọng tâm là Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh..., góp phần kéo dài và tận dụng hiệu quả cơ cấu "dân số vàng", thích ứng với "già hóa" dân số.

Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Hiện cả nước có 1.645 bệnh viện, trong đó có 384 bệnh viện ngoài công lập, hàng năm khám cho hơn 170 triệu lượt ngoại trú và điều trị nội trú cho hơn 17 triệu lượt người. Các cơ sở y tế tư nhân phát triển cả về số lượng và quy mô; đến nay có 384 bệnh viện tư nhân, chiếm 22,3% tổng số bệnh viện. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại.

Năm 2025, ngành Y tế đặt mục tiêu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; đạt 15 bác sĩ/vạn dân; 34,5 giường bệnh/vạn dân. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh đạt 74,6 tuổi; Tỷ số giới tính khi sinh đạt 111 bé trai/100 bé gái; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 17%; Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt trên 90%; Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

Tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và những kết quả đạt được trên mọi mặt của ngành Y tế trong năm 2024. Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2025, ngành Y tế cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường năng lực khám chữa bệnh tại hệ thống các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực y tế dự phòng, chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế, kết nối dữ liệu y tế với một số thủ tục hành chính, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân./.

Tin, ảnh: Minh Tân

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202412/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-trien-khai-cong-tac-y-te-nam-2025-4670000/