Hội nghị Trung ương 13 có ý nghĩa rất quan trọng
Trao đổi với Tiền Phong ngay trước Hội nghị Trung ương 13, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói rằng, đây là một trong những hội nghị cuối, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuẩn bị các vấn đề liên quan để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(?) Ông là Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa VIII đến khóa XI. Vậy, ông thấy thông thường các hội nghị Trung ương 13 có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Mỗi nhiệm kỳ thường có khoảng 14 hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị 13 thường là hội nghị áp chót nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thảo luận, chuẩn bị các vấn đề liên quan để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (dự kiến diễn ra vào quý I/2021 - PV). Ví dụ như các vấn đề liên quan đến dự thảo văn kiện trình đại hội, cũng như công tác nhân sự.
Tại thời điểm này, cũng như nhiều đảng viên, quần chúng nhân dân khác, tôi mong tại hội nghị 13 này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ phát huy sự đoàn kết thống nhất, trí tuệ chuẩn bị thật tốt các vấn đề có liên quan. Mục tiêu quan trọng nhất là làm sao để Việt Nam cất cánh, thịnh vượng và hùng cường. Đây đang là thời điểm tốt, cơ hội rất lớn để Đảng chớp lấy thời cờ làm nên sự vĩ đại cho dân tộc.
(?) Trước đại hội, công tác cán bộ luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, tiêu chí nào cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu trong công tác lựa chọn nhân sự?
Cán bộ là gốc của mọi công việc, cho nên mọi kế hoạch, mục tiêu đưa ra có thành hiện thực hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ mới. Trong việc lựa chọn đó thì chọn nhân sự người đứng đầu và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là quan trọng nhất.
Chọn người đứng đầu phải là người có vai trò dẫn dắt để cùng Ban Chấp hành Trung ương và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm lên sự nghiệp lớn. Cho nên ai nhận được trách nhiệm và sự tin tưởng phải hiểu được sứ mệnh cao cả của mình trước 100 triệu dân, chứ không phải vấn đề bình thường về chức vụ, quyền hạn.
Mọi kế hoạch, dự thảo đề ra, hoàn thành hay không hoàn thành nằm trong tay bộ phận lãnh đạo. Bộ phận lãnh đạo dẫn dắt tốt thì nhân dân sẽ đồng lòng, tin tưởng, ủng hộ. Sự nghiệp thì toàn dân làm nhưng phải có người định hướng tốt, dẫn dắt tốt nên cán bộ chủ chốt đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ mới.
Vì thế, tiêu chí lựa chọn cán bộ đầu tiên phải là những người có khả năng giải quyết những vấn đề mới, lớn đang đặt ra. Thứ hai là phải phát huy được đoàn kết, chứ đừng vì cá nhân. Ai đứng mũi chịu sào thì phải nhận trách nhiệm cao cả, thiêng liêng này. Chứ không quan trọng vấn đề trẻ hay già.
(?) Là Ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa, nay nhìn lại các quyết định lựa chọn nhân sự, ông có hoàn toàn hài lòng không và bài học rút ra là gì?
Có những cái mình hài lòng, song không phải là tất cả. Trong một số trường hợp nhìn lại, thấy quyết định mà mình đưa ra ở thời điểm đó là cũng chưa hợp lý. Cho nên vấn đề lựa chọn, đánh giá, nhận xét cán bộ đòi hỏi phải rất tỉnh táo. Sứ mệnh càng lớn, yêu cầu càng cao thì sự lựa chọn cán bộ càng đòi hỏi phải tỉnh táo, kỹ càng, lá phiếu bầu là vô cùng quan trọng.
Vì thế, tôi mong muốn những người được các đại biểu lựa chọn vào phương án nhân sự khóa sau sẽ được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ. Đó là những người biết phát huy sự đoàn kết, đồng lòng để tạo ra sự phát triển nhảy vọt cho đất nước trong giai đoạn mới.
Hiện nay, tình hình không cho phép chúng ta từ từ được nữa. Cũng như thời gian, cơ hội mà để trôi đi thì không thể quay trở lại. Vì thế, trong thời gian tới, cần phải có cải cách sâu rộng để hướng tới mục tiêu phát triển nhảy vọt. Đặc biệt, phải có các giải pháp để khai phá, phát huy tốt nhất các tiềm năng của đất nước, từ con người, văn hóa đến tài nguyên thiên nhiên.
Cảm ơn ông.