Hội ngộ sò móng tay 'chúa'

'Trời đất ơi! Con móng tay gì mà chà bá lửa vậy trời!', chị bạn mê ăn ốc... không đổ vỏ ở Sài Gòn, thốt lên trong một quán ven sông Soài Rạp, phía bờ Gò Công.

Những con móng tay “chúa” này nặng cỡ từ 6-8 con/kg, sống ở vùng biển Rạch Bùn thuộc xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và biển Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Về đến vựa hải sản của chị Tẻ, ở ấp Mỹ Xuân thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang chúng vẫn còn sống khỏe. Có con còn len lén thò cái vòi trắng ngà ra khỏi vỏ. Bộ phận này lớn hơn cả ngón tay cái người lớn, dài cỡ hai lóng tay, uốn lượn thật sinh động.

Được biết, những ngư dân địa phương phải trầm mình lặn sâu gần cả chục mét mới moi bắt được chúng vào chu kỳ con nước “ròng sát” hàng tháng. Rơi vào các ngày: Mùng 10 và 25 Âm lịch.

Có con nặng gần 200 gam.

Có con nặng gần 200 gam.

Khoảng 6-7 năm trước, biển Cần Giờ cũng có khá nhiều loại sò móng tay “vua” này. “Chúng sống trong rạn, thường ở gần cửa biển. Và phải là thợ lặn chuyên nghiệp mới tìm bắt được chúng. Vậy mà, thỉnh thoảng vẫn có người gặp nạn vì lặn”, đầu bếp Trần Minh, thổ địa ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM cho hay. Thêm một tin buồn khác, cũng từ ông đầu bếp thuận tay về các món tái hải sản này: "(Nay) tụi móng tay… "mẫu hậu” cực kỳ hiếm ở biển Cần Giờ.

Đến độ, đang mỏi mệt trong người, vị đầu bếp gốc Hoa này rất thèm vừa thổi vừa húp một chén súp bào ngư nấu với vài cái “lưỡi” con móng tay đại đang bốc khói thơm, để tẩm bổ. Nhưng khổ nỗi, chúng trốn quá giỏi.

Mặt khác, dân sành ăn hải sản miệt Gò Công lại chuộng các kiểu chế biến mộc mạc hơn. Đơn giản mà giữ nguyên hương vị tự nhiên của con sò móng chân là hấp với ít: sả cây đập giập, ớt hiểm bằm và nhúm lá húng quế. Lúc đầu, người nấu chỉ cần rưới cỡ chục giọt nước sạch vào đáy nồi để chống khét, rồi đậy nắp lại.

Mở lửa từ vừa đến lớn, không quá mười phút đã ngon ăn. Cứ canh, con sò vừa hé nửa miệng thì tắt bếp là vừa. Bởi nếu để quá lửa, thịt sò sẽ bớt ngọt và dai - mất ngon.

Chấm với muối tiêu chanh hoặc nước mắm chua ngọt hay không chấm gì cả. “Lưỡi” sò giòn sần sật, tựa như phần “đuôi” những con tu hài nhỏ. Chỗ khác biệt là thịt nó ngọt thanh và thơm đặc trưng. Còn muỗng nước hấp cũng ngọt dịu và thơm tưng bừng, tạo cảm giác thật sảng khoái cho người ăn.

Nhờ làn sóng tinh dầu của gia vị húng quế "song kiếm hợp bích" với sả cây, cứ thưởng thức xong một con thì húp tráng miệng một muỗng nước hấp, thật khoan khoái vô cùng! Hoặc tranh thủ vừa thổi vừa húp vài ba muỗng nước hấp màu trắng sữa ấy, trán vã mồ hôi lấm tấm - càng thêm khỏe người.

Giòn thơm ấn tượng, sò móng tay đại hấp...

Giòn thơm ấn tượng, sò móng tay đại hấp...

Hay gửi cỡ chục con móng tay đại vào nồi canh lá me non đang cuộn trào sôi. Canh chúng vừa hé miệng thì nhanh tay vớt ra… Chấm kiểu chuồn chuồn đáp nước vào dĩa nước mắm y, thả khá nhiều khoanh sả, ớt bằm, trông lấp lánh màu phớt xanh - đỏ - hồng thêm hấp dẫn.

Song, phổ biến hơn là mang nướng mỡ hành. Thơm "điếc mũi" với người… nướng, và ngon đã đời với người ăn.

Ông Lê Trọng Huỳnh, chủ một cửa hàng hải sản cao cấp ở quận 1, TP.HCM, cho biết rằng dọc các dãi biển miền Trung cũng có con móng tay nhưng nhỏ hơn so với hàng đại, cùng loại trong Nam. Với lại, ngoài vỏ chúng nổi màu đen chứ không trắng ngà, như đám sò móng tay đại ở biển: Cần Giờ, Gò Công Đông, Bến Tre.

Còn chị Tẻ, chủ vựa hải sản vừa nêu cho hay, sản lượng sò móng tay "chúa” ở bãi biển Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang với Bình Đại, tỉnh Bến Tre đang sụt giảm đáng kể. Cụ thể, từ 4 -5 năm trước, khi đến con nước lặn bắt chúng, mỗi ngày chị thu mua khoảng 20 - 25kg. Nay, chỉ còn cỡ 4-6kg, mặc dù giá không hề rẻ: 470.000 đồng/kg.

...và "vẹo lưỡi" với món nướng mỡ hành.

...và "vẹo lưỡi" với món nướng mỡ hành.

Cũng theo chị Tẻ, loại sò móng tay “chúa” này thường có quanh năm ở vùng biển Gò Công Đông. Mùa rộ của chúng từ khoảng tháng Bảy đến tháng Chín âm lịch, đôi khi kéo dài đến tháng 11 âm. Sang mùa nắng, nước sông - biển ở đây bị mặn xâm nhập, nên sản lượng chúng sẽ “mỏn đi” (giảm nhiều), từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng Năm âm lịch. Nhưng vẫn có lai rai.

Một khi mẹ thiên nhiên không còn vung tay hào phóng, ban tặng hàng tấn sản vật chất lượng như xưa, chị bạn dân Sài Gòn mê hải sản nước lợ mới tặc lưỡi tiếc nuối rằng, sao chị không biết đến con sò móng tay đại của miệt biển Gò Công sớm hơn.

Bài, ảnh: Tấn Tri

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hoi-ngo-so-mong-tay-chua-38809.html