Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới là xây dựng 'đại lộ' trong tinh thần, tư tưởng

Phát huy những thành tựu đạt được trong suốt hành trình 50 năm xây dựng và phát triển, văn học nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa tiếp tục nắm bắt thời cơ, vận hội để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực sáng tạo không ngừng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các giá trị văn hóa, VHNT của công chúng, đồng hành cùng quê hương, đất nước.

Các nghệ sĩ tham gia Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI tại Thanh Hóa.

Các nghệ sĩ tham gia Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI tại Thanh Hóa.

VHNT Thanh Hóa đã đi qua nửa thế kỷ (27/6/1974 - 27/6/2024) đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước với nhiều dấu ấn nổi bật. Từ 92 hội viên với 7 ban chuyên ngành, đến nay, Hội VHNT Thanh Hóa đã có gần 500 hội viên thuộc 11 ban chuyên ngành, các câu lạc bộ. Hội thực sự trở thành “mái nhà chung” ấm áp, nơi tập hợp, đoàn kết thống nhất, phát huy tài năng, trí tuệ của văn nghệ sĩ Thanh Hóa phục vụ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Số lượng 4.500 đầu sách về VHNT được xuất bản trong hành trình 50 năm xây dựng và trưởng thành đã cho thấy nỗ lực, sức sáng tạo bền bỉ của đội ngũ văn nghệ sĩ xứ Thanh. Hội VHNT Thanh Hóa tự hào có 8 hội viên đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, 9 hội viên là Nghệ sĩ Nhân dân; 45 hội viên là Nghệ sĩ Ưu tú... Là cơ quan ngôn luận, “cánh tay nối dài” của Hội VHNT Thanh Hóa, Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh làm tốt vai trò “bà đỡ” cho tác giả, tác phẩm VHNT; chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, “chắp cánh” cho các tài năng văn học trẻ đến gần hơn với bạn đọc và xây dựng, bổ sung “nguồn” kế cận có tâm huyết, triển vọng... Với những thành tựu ấy, Hội VHNT Thanh Hóa đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì, được các cấp, các ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và các cá nhân có thành tích trong lao động sáng tạo nghệ thuật...

Vui với những tin yêu

Vừa qua, tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội VHNT Thanh Hóa, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhấn mạnh: “...Nửa thế kỷ qua, các thế hệ văn nghệ sĩ của Hội VHNT Thanh Hóa với bề dày truyền thống, tinh thần yêu nước, phẩm chất cách mạng và tài năng quý báu đã không ngừng lao động sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu, nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao, mang đậm dấu ấn của quê hương Thanh Hóa. Nhiều văn nghệ sĩ xứ Thanh đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú... góp phần đưa VHNT Thanh Hóa gắn bó mật thiết với dòng chảy VHNT cả nước”.

Với nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vẫn luôn dành sự quan tâm, yêu mến đặc biệt đối với đất và người xứ Thanh. Trong những lần về với xứ Thanh, ông vẫn thường thủ thỉ tâm sự: “Xứ Thanh là quê hương thứ hai của tôi”. Trong lần trở lại này, ông nhận định: “Cùng với sự trưởng thành to lớn về sáng tác, lãnh đạo Hội VHNT Thanh Hóa qua các thời kỳ rất quan tâm, chăm sóc, đẩy mạnh các hoạt động lý luận phê bình và quảng bá tác phẩm VHNT. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về VHNT được tổ chức công phu, hàm lượng trí tuệ cao... Lãnh đạo hội qua các thời kỳ rất quan tâm xây dựng đội ngũ vững mạnh toàn diện, đặc biệt là sự phát hiện, bồi dưỡng, chăm sóc tài năng trẻ. Trong 50 năm qua, Hội VHNT Thanh Hóa luôn được đánh giá là một trong những tổ chức vững mạnh, xuất sắc nhất cả nước”.

Mang theo sự trân trọng, biết ơn đối với vùng đất mang tên Thanh Hóa, con người Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chân tình bộc bạch: “Chính vùng đất, “vùng người” này đã làm nên vùng văn hóa nghệ thuật mang tên xứ Thanh. Xứ Thanh - cái tên gọi ấy đã xác lập một vùng địa - chính trị, lịch sử - văn hóa. 50 năm là một chặng đường dài và Hội VHNT Thanh Hóa đã làm được rất nhiều điều đáng ghi nhận. Riêng về lĩnh vực văn học, chúng tôi có quyền kiêu hãnh kể tên những nhà văn, nhà thơ là những người con ưu tú của Thanh Hóa, những người đã viết nên những tác phẩm đóng góp vào tiến trình phát triển của văn học Việt Nam. Những người mà trong bộ lịch sử dày của Hội Nhà văn Việt Nam, văn học Việt Nam, đã viết nên những chương đẹp”.

Sự ghi nhận, tình cảm, niềm tin yêu của các thế hệ lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo công chúng yêu VHNT là động lực vừa đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khắt khe hơn đối với VHNT Thanh Hóa trong những bước tiến mới.

Cơ hội và thách thức

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ thông tin tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống. Sự nghiệp đổi mới đất nước đang đi vào chiều sâu, nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các giá trị văn hóa, VHNT của công chúng ngày càng cao, đòi hỏi văn hóa, VHNT có sự phát triển tương xứng. Làm sao để văn hóa nói chung, VHNT nói riêng được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị - xã hội? Làm sao để văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đồng thời tiếp thu cái mới, tinh hoa của văn học thế giới phục vụ tốt nhất cho công cuộc “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xây dựng và phát triển con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội? Những câu hỏi ấy vừa là động lực, cơ hội vừa là thách thức lớn đối với xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Xây dựng và phát triển VHNT tựa hồ như xây dựng “đại lộ” trong tinh thần, tư tưởng. Khi và chỉ khi chúng ta nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng; bản thân mỗi người phải có chân - thiện - mỹ mới có thể tạo nên những giá trị chân - thiện - mỹ cho đời.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước là một trong những nội dung được nêu rõ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng và phát triển VHNT Thanh Hóa một cách toàn diện, thấm nhuần tư tưởng nhân văn, mang đậm nét văn hóa đặc trưng, bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh thực tiễn sinh động của quê hương, đất nước là điều hết sức cần thiết, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Nhưng trên hết, lao động nghệ thuật là lao động sáng tạo có tính đặc thù cao, mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện rõ bản lĩnh, tài năng và tâm huyết, trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ. Vì lẽ đó, văn nghệ sĩ xứ Thanh phải phát huy được vai trò “chiến sĩ”, thực sự xứng đáng là “khí giới thanh cao mà đắc lực” trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đúng như lời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội VHNT Thanh Hóa: Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà cần bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, gắn mình hơn nữa với các tầng lớp Nhân dân, “tắm mình” hơn nữa với thực tiễn đời sống xã hội, tiếp tục theo đuổi “khát vọng”, bồi đắp “hoài bão”, phát huy "sức sáng tạo”, mang hết nhiệt huyết, tài năng, trí tuệ, để sáng tác những tác phẩm hay, có giá trị lớn, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.

Bài và ảnh: Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/xay-dung-va-phat-trien-van-hoc-nghe-thuat-trong-thoi-ky-moi-la-xay-dung-dai-lo-trong-tinh-than-tu-tuong-31749.htm