Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị không nên sáp nhập Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật

Ngày 25/12/2024, Hội Nhà báo Việt Nam có Công văn số 643/CV-HNBVN về việc đề nghị không nên sáp nhập Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật. Nội dung Công văn như sau:

Hội Nhà báo Việt Nam xin gửi đến các đồng chí Thường trực Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lời chào trân trọng và đề xuất nội dung công việc sau:

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, việc tinh gọn bộ máy là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc sáp nhập các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau như Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật tại một số địa phương rất cần được cấp thẩm quyền cân nhắc, xem xét cẩn trọng để tránh làm suy giảm vai trò, đặc thù hoạt động của từng Hội, cụ thể:

Thứ nhất, có sự khác biệt rất rõ về tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ; Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật phục vụ những mục tiêu khác nhau:

(1) Hội Nhà báo: Theo Điều 8 Luật báo chí 2016, Hội Nhà báo là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Hội Nhà báo 63 tỉnh, thành phố hoạt động thống nhất theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hội Nhà báo có nhiệm vụ, quyền hạn: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; Tham gia thẩm định sản phẩm báo chí khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên; Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí; Tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật; Tổ chức giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực...

(2) Hội Văn học nghệ thuật: Là tổ chức chuyên môn, tập hợp các văn nghệ sĩ sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, hội họa, âm nhạc, sân khấu... Hội có chức năng khuyến khích sự sáng tạo nghệ thuật, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Thứ hai, có sự khác biệt sâu sắc về chuyên môn và phương thức hoạt động

(1) Lĩnh vực báo chí là khoa học xã hội, phản ánh kịp thời sự thật cuộc sống. Báo chí là lĩnh vực mang tính khoa học xã hội cao, hoạt động trên nguyên tắc khách quan, cụ thể và chính xác. Mục tiêu cốt lõi của báo chí là phản ánh sự thật và cung cấp thông tin trung thực, kịp thời đến công chúng.

Đội ngũ nhà báo không chỉ đòi hỏi kỹ năng tác nghiệp chuyên nghiệp mà còn phải am hiểu pháp luật, luôn chấp hành nghiêm đạo đức nghề nghiệp và có khả năng phản biện xã hội. Báo chí chịu trách nhiệm trực tiếp trước công chúng và pháp luật về mọi sản phẩm báo chí, yêu cầu sự chính xác tuyệt đối trong từng con số, câu chữ. Tác phẩm báo chí phải ngắn gọn, súc tích, tập trung phân tích vấn đề, phản ánh sự kiện có thật, đảm bảo tính minh bạch và logic. Đây là công việc đòi hỏi tính kỷ luật và kiểm chứng thông tin cao độ, hướng đến tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của xã hội.

(2) Lĩnh vực văn học nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, chứa đựng cảm xúc và nghệ thuật. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của sáng tạo và cảm xúc, nơi các nghệ sĩ thể hiện góc nhìn chủ quan và tâm hồn thông qua tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm văn học, hội họa, âm nhạc, sân khấu... không bị ràng buộc bởi tính chính xác tuyệt đối mà thiên về sự tưởng tượng, cảm hứng và cái nhìn sâu sắc về cuộc sống.

Văn nghệ sĩ không bị giới hạn bởi khung pháp lý cứng nhắc trong sáng tạo. Tác phẩm nghệ thuật có thể là hư cấu, biểu đạt những cảm xúc trừu tượng, hoặc phản ánh xã hội một cách gián tiếp thông qua hình tượng nghệ thuật. Sự tự do sáng tạo là yếu tố quan trọng để các nghệ sĩ đưa ra những tác phẩm có giá trị văn hóa, nghệ thuật, đôi khi không dễ đo lường ngay bằng những tiêu chí сụ thể.

Thứ ba, báo chí và văn học nghệ thuật có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt thậm chí là đối lập trong phương thức hoạt động:

(1) Báo chí hướng đến hiện thực trực tiếp, giải quyết vấn đề của xã hội thông qua việc phản ánh trung thực, kịp thời theo nguyên tắc “Nhanh, đúng, trúng, hay”.

(2) Văn học nghệ thuật tìm kiếm cái đẹp ẩn giấu, khám phá tầng sâu của cảm xúc và ý nghĩa cuộc sống.

Qua những nội dung nêu trên, Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước nhận thấy, hai tổ chức Hội có tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ, tính chất, nội dung và đối tượng hoạt động rất khác nhau. Nếu sáp nhập, sự chồng chéo về nhiệm vụ và cách thức quản lý là điều khó tránh khỏi, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của cả hai Hội.

Việc sáp nhập một cách cơ học có thể khiến hai tổ chức Hội mất đi bản sắc riêng, làm giảm sức hút đối với hội viên. Các nhà báo sẽ không còn môi trường chuyên biệt để nâng cao nghiệp vụ, bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp. Văn nghệ sĩ cũng có nguy cơ bị gò bó bởi các quy định mang tính hành chính hơn là sáng tạo. Do đó, đội ngũ nhà báo và văn nghệ sĩ cần được vận hành trong các môi trường chuyên biệt, phù hợp với tính chất công việc; sáp nhập sẽ làm lu mờ ranh giới và phá vỡ sự chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, vai trò xã hội của hai Hội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hội Nhà báo có vai trò bảo vệ tự do báo chí, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trong khi Hội Văn học nghệ thuật giữ vai trò truyền bá và phát huy giá trị văn hóa. Nếu không được duy trì độc lập, các giá trị này có thể bị mai một.

Hiện nay, cấp thẩm quyền ở Trung ương không chỉ đạo sáp nhập Hội Nhà báo Việt Nam với các tổ chức Hội khác nói chung và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng. Thực tế, về cơ bản các địa phương trong cả nước không đặt vấn đề sáp nhập Hội Nhà báo với các tổ chức Hội khác.

Xuất phát từ các lý do nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh các cấp Hội Nhà báo trong cả nước được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025); đồng thời hỗ trợ Hội Nhà báo triển khai việc “Củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội”1, Hội Nhà báo Việt Nam trân trọng đề nghị và rất mong Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc, xem xét không sáp nhập Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật.

Trân trọng cảm ơn./.

-------------------------------------------

1Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới

PV

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/hoi-nha-bao-viet-nam-de-nghi-khong-nen-sap-nhap-hoi-nha-bao-va-hoi-van-hoc-nghe-thuat-3178156.html