Hội nhập là điểm tựa vững chắc cho giáo dục phổ thông
Hội nhập quốc tế không chỉ diễn ra ở các cơ sở giáo dục đại học mà còn được các trường phổ thông công lập, tư thục đẩy mạnh...
Nhiều liên kết quốc tế
Mô hình Thư viện thân thiện do Bộ GD&ĐT phối hợp với tổ chức Room to Read (tổ chức phi chính phủ của Mỹ) được đánh giá phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi tiểu học, góp phần xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Đến nay, chương trình được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Mô hình lấy học sinh làm trung tâm, với mục đích nâng cao hiệu quả, chất lượng thư viện trường tiểu học thông qua tổ chức hoạt động đọc từ ngày đầu đến trường. Tại thư viện thân thiện, sách được phân loại theo trình độ đọc và trưng bày trên kệ giúp học sinh dễ dàng tìm kiếm các đầu sách phù hợp với trình độ và tự lấy sách để đọc. Tài liệu văn bản cũng được trưng bày phù hợp; trang thiết bị thư viện sắp xếp hợp lý; học sinh di chuyển dễ dàng để chọn sách và vật phẩm giáo dục.
Cô Đinh Thị Lâm Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Bình Minh (Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết, từ năm học 2020 - 2021, nhà trường triển khai mô hình Thư viện thân thiện Room to Read. Sau một thời gian, mô hình cho thấy những ưu việt so với thư viện truyền thống, khẳng định tính đúng đắn trong hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo.
Hà Phạm Khánh, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học thị trấn Bình Minh cho biết, thư viện có đủ không gian để học sinh tham gia các hoạt động: Cá nhân, cặp đôi, nhóm. Hằng ngày Khánh thường rủ bạn cùng lớp lên thư viện mượn sách về nhà đọc. Khánh thích những buổi đọc sách trên thư viện bởi học được nhiều điều từ sách.
Hợp tác quốc tế trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc triển khai các dự án quốc tế tại Việt Nam mà còn là thực hiện các chương trình trao đổi, đào tạo ở nước ngoài. Vừa qua được phê duyệt của UBND TP, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Hội đồng xét duyệt, lựa chọn 200 giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao phương pháp giảng dạy và công nghệ thông tin tại thành phố Sydney (Australia) trong thời gian 14 ngày dựa vào điểm IELTS từ cao xuống thấp và xét thêm 12 tiêu chí phụ đối với giáo viên có điểm IELTS bằng nhau.
Kết thúc khóa học, 100% học viên được nhận chứng chỉ tốt nghiệp ký bởi lãnh đạo trường Đại học Western Sydney. Ban tổ chức cũng trao những giải thưởng ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp của các tập thể, thành viên trong khóa học: Bài thu hoạch xuất sắc nhất, bài cảm nhận tốt nhất, báo cáo tổng kết khóa học tốt nhất và học viên có đóng góp lớn nhất.
Cô giáo Nguyễn Phương Linh, Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, tham gia khóa học, các học viên đều thấy rõ hiệu quả đem lại, được tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, biết cách ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, từng bước cải thiện các kỹ năng dạy học gắn liền với thực tiễn; thực hành nghiên cứu, chia sẻ các kinh nghiệm giảng dạy thực tế, thuyết trình, thảo luận và dự giờ thăm lớp, được hội nhập môi trường học tập quốc tế.
Đáng nói, tới nay nhiều địa phương cũng thông qua hợp tác quốc tế để thực hiện các chương trình liên kết, đào tạo giáo viên ở nước ngoài. Gần đây nhất, theo kế hoạch năm 2023, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng dự kiến đưa 39 giáo viên Tiếng Anh bậc THPT đạt IELTS từ 7.0 trở lên đi bồi dưỡng tại Australia. Rõ ràng, đây là hướng đi hiệu quả, phù hợp, giúp các địa phương, nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục.
Hướng đi hiệu quả
Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trong xu thế hội nhập toàn cầu, hợp tác, giao lưu quốc tế là một trong những hoạt động thúc đẩy GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Do đó, ngành đã tích cực đẩy mạnh hoạt động này để các cơ sở giáo dục được tiếp cận với nền giáo dục thế giới.
Minh chứng, những năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai hiệu quả các dự án về phát triển giáo dục đào tạo, mở rộng hoạt động hợp tác, tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Sở đã đưa nhiều đoàn cán bộ quản lý, giáo viên sang học tập tại các nước và tiếp nhận giáo viên, tình nguyện viên quốc tế từ Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... đến tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu.
Cùng với đó, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục chuẩn hóa, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy Ngoại ngữ trường phổ thông theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và chuẩn IELTS quốc tế và tương đương. Tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn khoa học tự nhiên cấp trung học.
Đồng thời, phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình liên kết với các công ty, trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài để tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông và chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Tiếp tục tăng cường mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, cơ sở giáo dục nước ngoài, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ, tăng cường trao đổi giáo viên với các nước có quan hệ hợp tác với Bộ GD&ĐT và thành phố.
Có thể khẳng định, đến nay hội nhập quốc tế trở thành điểm tựa vững chắc để không ít cơ sở giáo dục phổ thông trong và ngoài công lập khẳng định chất lượng chương trình và phương pháp giảng dạy qua việc tích hợp giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam với chương trình giảng dạy của các nước tiên tiến trên thế giới.
Chính sách hội nhập quốc tế trong giáo dục góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Đối với giáo dục phổ thông, học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế và khu vực, được xếp hạng cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA. Đây là một trong những minh chứng của sự hội nhập quốc tế hiệu quả, thành công của giáo dục phổ thông.