Hội nhập quốc tế về hải quan góp phần nâng cao vị thế, uy tín đất nước

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 30 năm hợp tác và hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam với rất nhiều thành tựu, góp phần thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của ngành Hải quan, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới. Đồng thời, tăng cường thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh, chủ quyền, lợi ích kinh tế quốc gia.

Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cùng các đại diện của WCO tại triển lãm công nghệ.

Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cùng các đại diện của WCO tại triển lãm công nghệ.

Tham gia định hình cơ chế, thể chế hợp tác

Xét về thành tựu của Hải quan Việt Nam trên trường quốc tế, không thể không nhắc đến hai dấu ấn chính, đó là việc tạo dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan và việc từng bước khẳng định, nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn hải quan thế giới.

Trong 30 năm qua, đã có khoảng 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác đa phương trong lĩnh vực hải quan có liên quan tới Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN. Hải quan Việt Nam cũng tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do đa phương. Đây là những nỗ lực rất lớn của ngành Hải quan.

Theo ông Hoàng Đình Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), tham gia những cam kết quốc tế đa phương đã tạo động lực rất quan trọng cho Hải quan Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ. Thời gian qua, việc sửa luật cũng được chú trọng. Nổi bật là việc ban hành Luật Hải quan 2014 được coi như bước phát triển mới về cơ sở pháp lý với những nội dung mới, mang tính đột phá, phù hợp với xu thế phát triển và bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng như: Thực hiện thủ tục hải quan điện tử; áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan; chế độ doanh nghiệp ưu tiên, xác định trước mã số, trị giá và xuất xứ hàng hóa; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia...

Hàng năm, Hải quan Việt Nam tiếp nhận khoảng 30 yêu cầu hỗ trợ và xác minh thông tin liên quan đến các nghi vấn vi phạm hải quan từ cơ quan hải quan các nước đối tác; xử lý gửi đi hàng trăm chứng từ xác minh chứng nhận xuất xứ ưu đãi trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo việc thực hiện đúng cam kết về ưu đãi thuế quan trong các hiệp định này. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng là cách để Hải quan Việt Nam dần nâng cao vị thế quốc tế.

Tới nay, Hải quan Việt Nam đã và đang từng bước hội nhập ngày càng sâu rộng, là thành viên quan trọng có trách nhiệm của nhiều diễn đàn, tổ chức kinh tế khu vực và toàn cầu. Việc tham gia vào các tổ chức quốc tế của Hải quan Việt Nam đang dần được chuyển hóa từ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thành viên sang việc chủ động tích cực tham gia vào việc định hình cơ chế, thể chế hợp tác trong các tổ chức này với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định.

Ông Đào Đức Hải - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho hay, việc Hải quan Việt Nam giám sát việc thực hiện của các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do là nhằm đảm bảo, bảo vệ lợi ích của chính chúng ta. Bên cạnh đó, công tác này cũng góp phần giúp Hải quan Việt Nam đào tạo được một đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu hợp tác, hội nhập quốc tế; tinh thông nghiệp vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp của công chức hải quan.

Nâng cao vị thế, uy tín quốc tế

Nỗ lực suốt 30 năm qua trong việc tận dụng các nguồn lực, hỗ trợ từ phía đối tác nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế đã giúp ngành Hải quan chủ động hội nhập quốc tế.

Đã có khoảng 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác đa phương trong lĩnh vực hải quan

Trong 30 năm qua, đã có khoảng 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác đa phương trong lĩnh vực hải quan có liên quan tới Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN. Hải quan Việt Nam cũng tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do đa phương. Đây là những nỗ lực rất lớn của ngành Hải quan.

Thời gian tới, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam vẫn đảm bảo mục tiêu phục vụ cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia; phục vụ cho tiến trình cải cách, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp và công tác thực thi pháp luật hải quan; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Hải quan Việt Nam.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Hải quan Việt Nam sẽ tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả tham gia, tăng cường đóng góp trong các cơ chế hợp tác và hội nhập hải quan tại các khuôn khổ ASEAN, WTO, APEC, ASEM, WCO... Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các đối tác để nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá các mô hình, biện pháp, phương pháp, xu hướng phát triển của quản lý hải quan hiện đại trong bối cảnh mới của thế giới và khu vực về kinh tế, thương mại.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối trong trao đổi thông tin, phối hợp xác minh C/O, xác minh các vụ việc vi phạm pháp luật hải quan; tăng cường phối hợp kiểm soát các mặt hàng cấm, vận chuyển hàng bất hợp pháp; thúc đẩy hoạt động hợp tác kỹ thuật nghiệp vụ với các nước đối tác; nghiên cứu triển khai thí điểm trao đổi thông tin một số mặt hàng trọng điểm và giữa các cặp cảng biển lớn với các đối tác chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại với Việt Nam phục vụ yêu cầu quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau doanh nghiệp ưu tiên với các nước đối tác quan trọng; tổ chức thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam tham gia, đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước.

Dấu ấn của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ WCO

Tháng 7/1993 Hải quan Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Hợp tác Hải quan (CCC), nay là Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Kể từ khi gia nhập, Hải quan Việt Nam đã tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ các hoạt động hàng năm của WCO, qua đó khẳng định quyền và nghĩa vụ của mình tại Diễn đàn hải quan quốc tế lớn nhất này.

Năm 1997, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về Đơn giản hóa và Hài hòa hóa thủ tục hải quan (gọi là Công ước Kyoto) và đến năm 2008, Việt Nam đã gia nhập Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto.

Năm 1998, Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS).

Năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý gia nhập Công ước Istabul của WCO về Tạm quản hàng hóa. Việc gia nhập Công ước này đánh dấu nỗ lực của Tổng cục Hải quan trong việc nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ về việc gia nhập Công ước, khẳng định nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tăng cường hội nhập quốc tế và thực hiện các thông lệ quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho thương mại.

Từ tháng 6/2013, Tổng cục Hải quan đã chính thức có cán bộ làm đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO. Năm 2018, Hải quan Việt Nam đã có cán bộ đại diện vào vị trí kỹ thuật của Ban Tạo thuận lợi thương mại và tuân thủ của WCO. Năm 2023, Hải quan Việt Nam đồng đăng cai tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm Công nghệ của WCO tại Hà Nội. Đây là Hội nghị toàn cầu thường niên quan trọng nhất của WCO với sự tham gia của các cơ quan hải quan thành viên và khu vực triển lãm công nghệ trong lĩnh vực hải quan của các đối tác khu vực tư nhân. Hội nghị được tổ chức thành công đã để lại dấu ấn rất lớn của Hải quan Việt Nam đối với các thành viên WCO cũng như bạn bè quốc tế tham dự Hội nghị.

Tháng 4/2024, đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO đã được lựa chọn là Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Thường trực của WCO cho giai đoạn từ tháng 4/2024 - 4/2025.

Đây là những bước tiến mới cho thấy Hải quan Việt Nam đã và đang dần khẳng định vai trò, vị trí, tiếng nói của Hải quan Việt Nam tại WCO, tạo ra một kênh tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng các thông tin, khuyến nghị, chuẩn mực quốc tế.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hoi-nhap-quoc-te-ve-hai-quan-gop-phan-nang-cao-vi-the-uy-tin-dat-nuoc-158387-158387.html