Hội Nông dân góp sức xây dựng kinh tế tập thể ngày càng phát triển

Qua hơn 3 năm triển khai, thực hiện 'Vận động nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất bằng mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) theo chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC)', nhìn chung, loại hình kinh tế tập thể (KTTT) do các cấp Hội Nông dân xây dựng đang trên đà hồi phục và có nhiều tiềm năng phát triển. Số lượng tổ hợp tác (THT) và HTX do các cấp Hội Nông dân thành lập tăng theo từng năm với chất lượng ngày một cải thiện, nâng cao. Các mô hình THT, HTX hoạt động hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH địa phương.

Nhiều hợp tác xã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả trong sản xuất (Ảnh tư liệu)

Nhiều hợp tác xã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả trong sản xuất (Ảnh tư liệu)

Giai đoạn 2017-2021, các cấp Hội vận động, hướng dẫn thành lập 189 HTX nông nghiệp, 1 liên hiệp HTX, 1.356 THT về kinh tế. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, thành lập mới 10 HTX, 77 THT, chuyển đổi 104 THT từ tổ hội địa bàn dân cư sang tổ hội nghề nghiệp, thu hút trên 20.000 thành viên, bình quân 13-18 thành viên/HTX, THT, đã và đang mang lại hiệu quả KT-XH cao hơn so với cách làm nhỏ, lẻ, tiếp cận được thị trường, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp đã giúp nông sản có đầu ra ổn định, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế, hình thành chuỗi giá trị nông sản.

Tại một số huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Bến Lức,... năng suất lao động giữa hộ thành viên HTX so với hộ không phải là thành viên chênh nhau không nhiều nhưng giá thành sản phẩm lại có sự chênh lệch rõ rệt. Các hộ thành viên HTX bán hàng với giá cao hơn các hộ không phải thành viên HTX khoảng 10% và chi phí sản xuất giảm 25%. Do vậy, thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn các hộ không phải thành viên 30%. Bên cạnh đó, nhiều mô hình KTTT đã thể hiện vai trò làm cầu nối gắn người sản xuất với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích cho hội viên, nông dân. Điển hình như HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa), HTX Chanh Thạnh Lợi (huyện Bến Lức), HTX Gò Gòn (huyện Tân Hưng), HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước),... Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng hoạt động của HTX ngày càng ổn định và có chiều hướng phát triển với hiệu quả kinh doanh tăng rõ rệt. Doanh thu bình quân/năm ước tăng 390 triệu đồng/HTX (tăng khoảng 17%).

Việc xây dựng các mô hình KTTT cũng được các cấp Hội kết hợp với phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Phong trào đã góp phần tăng hộ khá giàu, giảm hộ nghèo, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu có sức tiêu thụ trên thị trường trong nước và thế giới với 33 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 14 sản phẩm đạt hạng 3 sao,...

Thực hiện Chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các cấp Hội trong tỉnh hưởng ứng xây dựng các mô hình THT sản xuất nông nghiệp ƯDCNC thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với 395 dự án được xây dựng, cho 2.167 hộ nông dân vay với kinh phí 67,91 tỉ đồng. Điển hình như các mô hình sản xuất công nghệ cao trên lúa, rau, cây ăn trái theo hướng hữu cơ; nuôi thủy sản nước ngọt, bò thịt chất lượng cao ở huyện Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Hưng, Thủ Thừa, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An,... Hội Nông dân tỉnh phối hợp xây dựng 16 HTX điểm trong vùng nông nghiệp ƯDCNC; 5 mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy trên cây lúa, cây rau, cây thanh long với diện tích 120,51ha ở huyện Cần Đước, Thạnh Hóa, Cần Giuộc với tổng kinh phí hỗ trợ 1,4 tỉ đồng.

Từ những hiệu quả mà mô hình KTTT mang lại trong thời gian qua do Hội Nông dân các cấp phối hợp thực hiện, xây dựng, để thúc đẩy loại hình kinh tế này ngày càng phát triển, rất cần tháo gỡ những khó khăn cụ thể trong chuỗi giá trị sản phẩm trên từng địa bàn. Muốn làm việc này, trước hết, các cấp Hội phải đào tạo được nguồn nhân lực đủ năng lực nhận biết và thực thi. Để tạo được năng lực này, rất cần hỗ trợ của các ngành liên quan trong đào tạo nguồn nhân lực cho THT, HTX, xem đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cấp Hội; thúc đẩy phát triển các mô hình chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó liên kết HTX - doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc,... nhằm xây dựng uy tín của HTX cũng như thương hiệu nông sản đối với người tiêu dùng; hỗ trợ đầu tư công nghệ và kỹ thuật sản xuất, chế biến đồng bộ theo chuỗi giá trị; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX, THT và năng lực tài chính cho khu vực KTTT./.

Trương Hoàng Giang

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hoi-nong-dan-gop-suc-xay-dung-kinh-te-tap-the-ngay-cang-phat-trien-a141261.html