Hội Nông dân TP Chí Linh vận động hội viên sản xuất sạch, an toàn
Nhờ 'dân vận khéo', Hội Nông dân (HND) TP Chí Linh đã trở thành cầu nối giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của người dân địa phương khi hướng tới sản xuất sạch, an toàn, theo chuỗi.
Kiên trì vận động
Từ năm 2019, trước nhu cầu đặt ra ngày càng cao đối với việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của hội viên, HND TP Chí Linh tập trung xây dựng, phát triển các mô hình tổ hợp tác, HTX, chi hội nghề nghiệp sản xuất hàng hóa an toàn, theo chuỗi. Trong đó có các sản phẩm thanh long (Hoàng Hoa Thám), na (Hoàng Tiến), táo (Cộng Hòa), cà chua (Nhân Huệ).
Đã quen với cách sản xuất, tiêu thụ hàng hóa truyền thống nên bà con nông dân không dễ thay đổi, làm theo cách mới. Chị Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch HND TP Chí Linh còn nhớ năm 2019, hội triển khai xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn tại xã Nhân Huệ. Đây là mô hình đầu tiên thực hiện theo hướng an toàn nên rất khó khăn. Khi về trao đổi, vận động người dân tham gia mô hình, họ hỏi luôn là được cho cái gì, sản phẩm làm ra có tiêu thụ hết không? Khi tuyên truyền, có 35 hộ đăng ký tham gia mô hình nhưng chuẩn bị đến ngày ra mắt thì đột nhiên có 10 hộ xin rút. Điều này khiến những hội viên còn lại có phần hoang mang, mô hình có nguy cơ bị phá vỡ. "Chúng tôi đã đến từng nhà hội viên xin rút để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Họ đều có tâm lý chung là không biết mô hình có đáp ứng được yêu cầu không? Chúng tôi đã tuyên truyền giúp bà con hiểu khi vào mô hình bà con được hỗ trợ một phần tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và giới thiệu nơi tiêu thụ sản phẩm. Hiểu ra vấn đề, 10 hộ dân vui vẻ đăng ký lại", chị Quế chia sẻ.
Tương tự như vậy, mô hình "Tổ HND nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ thanh long an toàn" lúc đầu chỉ có 7 hộ tham gia do người dân còn dè dặt thì hiện nay có 35 thành viên. Ông Vũ Văn Kết ở thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám cho biết khi HND triển khai mô hình ông chưa tham gia ngay. Vừa rồi qua tìm hiểu, thấy hiệu quả nên gia đình ông đã đăng ký sản xuất theo mô hình và đến nay đã trồng được hơn 1.000 trụ thanh long ruột đỏ.
Để vận động được người dân dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng không hề đơn giản. Có hộ nuôi cá lồng rất tốt, khi cán bộ HND vận động nên dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì nhất quyết không nghe. Họ cho rằng hàng của mình làm ra đang tiêu thụ rất tốt, không cần dán tem. Nhưng sau một thời gian được các cán bộ HND kiên trì vận động và thấy lợi ích của việc làm này nên họ đã chủ động đề nghị HND thành phố hỗ trợ.
Hiệu quả cao
Tham gia các mô hình, nông dân được nâng cao trình độ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất, tiêu thụ theo hướng an toàn, nhất là sản phẩm được dán tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó nâng cao ý thức về chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu, hàng hóa tiêu thụ thuận lợi hơn, giá trị kinh tế cũng tăng lên. Nhiều sản phẩm có mẫu mã, chất lượng tốt được Công ty CP Greenfarm, chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food và nhiều siêu thị, nhà hàng uy tín đặt hàng.
Anh Vũ Văn Nghĩa (xã Hoàng Hoa Thám) khẳng định: "Đầu năm 2020, gia đình tôi tham gia mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn. Qua vài lần thu hoạch và tiêu thụ tôi thấy hiệu quả rõ rệt, có công ty về thu mua tại chỗ, giá ổn định. Ví dụ như thanh long loại 1 hiện bán được 25.000 đồng/kg, loại 2 được 20.000 đồng/kg. Trước đây, chúng tôi chỉ bán được 18.000 - 20.000 đồng/kg.
Cùng chung nhận định như người trồng thanh long, sau gần 2 năm sản xuất cà chua theo mô hình an toàn, các hộ dân ở xã Nhân Huệ nhận thấy tiền lãi mỗi vụ thu về đều tăng. So với diện tích không trong mô hình, mỗi sào thuộc mô hình trung bình năng suất cao hơn 100 kg và thu lãi nhiều hơn từ 2 - 3 triệu đồng.
Từ những mô hình sản xuất theo hướng an toàn, đời sống của người dân ngày một nâng cao. Hiện nay, các sản phẩm của người dân làm ra không đủ để cung cấp cho thị trường. Thành quả này có phần công sức không nhỏ của cán bộ HND TP Chí Linh trong việc chủ động, tích cực tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.