Hội quán Quảng Đông: Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia độc đáo giữa lòng Hà Nội

Tọa lạc tại số 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Hội quán Quảng Đông, hay còn gọi là Việt Đông hội quán, không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa.

Được xây dựng từ năm 1803, hội quán này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2007.

 Hội quán Quảng Đông tọa lạc tại số 22 Hàng Buồn, Hà Nội - Ảnh: Thùy Trang

Hội quán Quảng Đông tọa lạc tại số 22 Hàng Buồn, Hà Nội - Ảnh: Thùy Trang

Dấu ấn lịch sử đặc biệt

Hội quán Quảng Đông là nơi thờ Quan Công và Thiên Hậu, hai nhân vật linh thiêng trong tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa. Điều đặc biệt nhất tại đây là tấm biển đá khắc dòng chữ: "Cụ Tôn Trung Sơn, người đi trước trong cuộc Cách mạng Dân chủ vĩ đại của Trung Quốc, năm 1904 đã từng ở đây".

Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng nổi tiếng, đã góp phần định hình nền dân chủ tại Trung Quốc và có ảnh hưởng sâu sắc đến các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá cao tư tưởng của Tôn Trung Sơn, đặc biệt là chính sách "Tam dân" và cương lĩnh chống đế quốc. Việc bảo tồn di tích này không chỉ thể hiện sự trân trọng các giá trị lịch sử, mà còn khẳng định mối quan hệ hữu hảo giữa hai dân tộc Việt - Trung.

Kiến trúc tinh xảo, hài hòa giữa thiên nhiên và con người

 Bên trong Hội quán Quảng Đông - Ảnh: Thùy Trang

Bên trong Hội quán Quảng Đông - Ảnh: Thùy Trang

 Về tổng quan, hội quán có lối kiến trúc điển hình của các hội quán Hoa kiều, với bốn dãy nhà bố cục hợp thành chữ “Khẩu” - Ảnh: TTCS

Về tổng quan, hội quán có lối kiến trúc điển hình của các hội quán Hoa kiều, với bốn dãy nhà bố cục hợp thành chữ “Khẩu” - Ảnh: TTCS

Hội quán Quảng Đông có diện tích 1.670m², được xây dựng trên ba trục chính: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Mỗi phần đều được thiết kế tỉ mỉ với phong cách kiến trúc truyền thống kết hợp nét độc đáo của cộng đồng người Hoa.

Tiền đường được thiết kế với bộ mái ngói âm dương, bề mặt tường và nền nhà được ốp bằng đá phiến màu xám, tạo vẻ uy nghiêm. Phía trên là các họa tiết bằng gốm sứ được bài trí theo quan niệm "thiên - địa - nhân", tượng trưng cho sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Phương đình, nơi từng là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng người Hoa, được thiết kế theo kiểu nhà vuông bốn mái, trang trí hoa văn tinh xảo như "tứ linh" (long, lân, quy, phượng) và "tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai).

Hậu cung, nơi thờ Quan Công, nổi bật với hệ thống cửa bức bàn chạm trổ cầu kỳ. Các pho tượng Quan Công, Châu Xương và Quan Bình mang ý nghĩa biểu trưng hơn là tính nghệ thuật, nhấn mạnh tinh thần bảo vệ chân lý và đạo nghĩa.

Nghệ thuật điêu khắc gốm đặc sắc

 Kiến trúc Hội quán Quảng Đông, 22 Hàng Buồm, gây ấn tượng mạnh nhờ các phù điêu khắc nổi, được tạo tác rất tỉ mỉ, cầu kỳ - Ảnh: TTCS

Kiến trúc Hội quán Quảng Đông, 22 Hàng Buồm, gây ấn tượng mạnh nhờ các phù điêu khắc nổi, được tạo tác rất tỉ mỉ, cầu kỳ - Ảnh: TTCS

 Các bức phù điêu hình nhân bằng gốm trên tường vô cùng độc đáo - Ảnh: TTCS

Các bức phù điêu hình nhân bằng gốm trên tường vô cùng độc đáo - Ảnh: TTCS

 Đáng tiếc là trải qua thời gian, nhiều bức phù điêu bị hư hỏng - Ảnh: TTCS

Đáng tiếc là trải qua thời gian, nhiều bức phù điêu bị hư hỏng - Ảnh: TTCS

 Dãy phù điêu gốm trên tường tiền đường được thực hiện vào lần trùng tu năm 1920 - Ảnh: TTCS

Dãy phù điêu gốm trên tường tiền đường được thực hiện vào lần trùng tu năm 1920 - Ảnh: TTCS

Hội quán Quảng Đông được đánh giá cao bởi nghệ thuật trang trí bằng gốm trên mái, bên cạnh nghệ thuật điêu khắc gỗ và điêu khắc đá. Các chi tiết điêu khắc trên mái được chia thành ba tầng: tầng trên dành cho các biểu tượng linh thiêng như long, lân, quy, phượng; tầng giữa và tầng đáy khắc họa cảnh sinh hoạt đời thường, điển tích cổ Trung Hoa.

Những hình ảnh như "Đường Tăng sư đồ", "Ba tiêu động" hay "Thiết phiến công chúa" khiến công trình trở thành bức tranh sống động về văn hóa và nghệ thuật.

Hội quán Quảng Đông không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là chứng nhân lịch sử, ghi dấu ấn giao thoa văn hóa giữa người Hoa và người Việt. Việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản này là minh chứng cho sự tôn trọng lịch sử và các mối quan hệ quốc tế tốt đẹp.

Đến thăm Hội quán Quảng Đông, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm về một phần lịch sử phong phú của Hà Nội và những dấu ấn quan trọng trong hành trình phát triển của dân tộc.

Tuyết Chinh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoi-quan-quang-dong-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-quoc-gia-doc-dao-giua-long-ha-noi-post326155.html