Nghiên cứu từ Đại học Oxford về tác động của K-pop đến nhân loại và âm nhạc

Đại học Oxford đã hợp tác với một nhạc sĩ K-pop để tìm hiểu về những tác động lâu dài của 'làn sóng Hàn Quốc' đối với con người.

Góc nhìn mới về K-pop

"Đã có rất nhiều nghiên cứu về văn hóa nhạc pop có nguồn gốc từ châu Âu nhưng lại không có nhiều nghiên cứu về K-pop, K-drama hay hallyu, được biết đến là 'làn sóng Hàn Quốc'. Và chúng tôi tin rằng nghiên cứu lần này sẽ mang đến một góc nhìn mới", Jieun Kiaer, Giáo sư ngôn ngữ học tiếng Hàn tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh cho biết.

BTS biểu diễn tại Sao Paulo, Brazil, vào năm 2015. Ảnh: Getty Images

BTS biểu diễn tại Sao Paulo, Brazil, vào năm 2015. Ảnh: Getty Images

Theo trang SCMP, Giáo sư Jieun Kiaer chia sẻ quan điểm về tầm nhìn và mục tiêu của một dự án nghiên cứu sắp tới mà bà sẽ hợp tác với nhà sản xuất và nhạc sĩ K-pop Kim Hyeong-seok để cùng thực hiện.

Kim Hyeong-seok, người đã sáng tác hơn 1.400 bài hát, bao gồm vô số bản hit, là người tiên phong và là một trong những nhân vật nổi bật nhất của K-pop kể từ những năm 1990. Thông qua hợp tác nghiên cứu, Kim muốn thúc đẩy K-pop phát triển hơn nữa như một nền văn hóa đặc trưng.

"Đầu tiên, tôi thực sự cảm thấy vị thế của K-pop đã tăng lên đáng kể. Và với sự hợp tác này, K-pop có thể tiếp tục mở rộng không chỉ như một sự kiện hay thứ gì đó thoáng qua, mà là một trục văn hóa chính. Tôi cảm thấy rằng việc hợp tác với Đại học Oxford sẽ làm cho điều này có giá trị hơn nhiều", Kim Hyeong-seok nhấn mạnh.

Kim giải thích rằng K-pop đã thu hút sự chú ý trên khắp thế giới bởi sự độc đáo và là nền tảng giúp người hâm mộ cũng như nghệ sĩ có thể tương tác nhiều hơn.

"Theo quan điểm âm nhạc, K-pop khuyến khích sự tham gia của người hâm mộ thay vì chỉ lắng nghe, với nhiều thể loại trong một bài hát, nhịp điệu và giai điệu dễ theo dõi", anh nói.

Theo Kim, xét về yếu tố tiếp thị, cộng đồng sẽ được hình thành thông qua K-pop, chuyển đổi mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người hâm mộ từ chiều dọc sang chiều ngang, để có mối quan hệ bổ sung cho nhau. Chẳng hạn khi bạn nhìn vào những người hâm mộ Army - cộng đồng fan của BTS. Đây hiện cũng là một trong những cộng đồng người hâm mộ mạnh nhất, hoạt động có quy mô nhất trong thế giới K-pop lẫn thị trường âm nhạc quốc tế.

"Các nghệ sĩ cũng có thể tương tác với người hâm mộ thông qua các nền tảng như phát trực tiếp và tin nhắn. Điều này cũng tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn giữa người hâm mộ và nghệ sĩ để xây dựng một cộng đồng", ông nói thêm.

Sự trỗi dậy của AI

Trong khi đó, Giáo sư Jieun Kiaer giải thích rằng nghiên cứu lần này cũng bao gồm nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với K-pop, từ ngôn ngữ học, nhân văn và giáo dục đến trí tuệ nhân tạo.

"Chúng tôi muốn biết tác động của K-pop và hallyu đối với nhân loại và lĩnh vực âm nhạc nghệ thuật sáng tạo. Vì vậy, cùng với nhà sản xuất Kim, chúng tôi đặt mục tiêu nghiên cứu các tác động xã hội trước ảnh hưởng của K-pop", bà nói.

Bà Jieun Kiaer cũng nhắc đến mục tiêu nghiên cứu về tính bền vững, đặc biệt là trong thời đại trí tuệ nhân tạo phát triển. Chẳng hạn như K-pop có ý nghĩa gì? Nếu K-pop vẫn được coi là giải trí cho đến bây giờ, thì điều này đại diện cho một sự chuyển đổi mới để coi K-pop là "giải trí mang tính giáo dục" hay không?

Nhà sản xuất Kim nói thêm rằng việc nghiên cứu sự trỗi dậy của AI và những tác động của công cụ này trong các lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo là điều cần thiết để chuẩn bị cho tương lai.

"Tôi tin rằng công nghệ cuối cùng đã phát triển như một phương tiện để mang lại lợi ích và giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho con người. Trước đây, chỉ những người học nhạc mới sáng tác nhạc, nhưng giờ đây, bạn có thể sáng tác nhạc thông qua thao tác kéo và thả trên máy tính", Kim nói.

Sau khi AI xuất hiện, mọi thứ đã thay đổi.

Các vấn đề kỹ thuật dễ dàng được giải quyết thông qua các giải pháp AI. Vì vậy, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mà triết học, nhân văn và nghệ thuật đã trở nên quan trọng hơn nhiều, tập trung vào những thông điệp mà mọi người muốn truyền tải.

"Vì hiện tại là thời điểm mà mọi người có thể tạo ra phương tiện truyền thông của riêng mình, tôi muốn cung cấp cho thế hệ trẻ hướng đi đúng đắn và thảo luận về các khía cạnh triết học sâu sắc hơn về vấn đề này", Giáo sư Kiaer nói.

Với việc K-pop đang trở thành hiện tượng toàn cầu, nhà sản xuất Kim lưu ý K-pop đã phát triển thành nền văn hóa riêng.

"Bây giờ trong K-pop, việc ai hợp tác với ai thực sự không còn quan trọng nữa. Nó không còn là văn hóa nhóm với nhóm, hay văn hóa quốc gia với quốc gia, mà là văn hóa cá nhân với cá nhân. Điểm quan trọng nhất của K-pop là tạo ra sự tương tác giữa người hâm mộ và nghệ sĩ, mối quan hệ bổ sung lẫn nhau và có một cộng đồng gắn kết. Những điều này tạo ra định nghĩa về K-pop là có triết lý, giao tiếp với người hâm mộ, tạo ra một cộng đồng và tương tác.

Về phía Giáo sư Kiaer, bà cũng hy vọng nghiên cứu sẽ cung cấp góc nhìn cụ thể về tác động xã hội từ văn hóa K-pop.

"Là một nhà ngôn ngữ học, tôi rất quan tâm đến ngôn ngữ và bản sắc của K-pop. Tôi tin rằng chúng ta không nên để điều này trôi qua mà không được chú ý. Tôi nghĩ rằng nghiên cứu này là quan trọng và phải thực hiện", Giáo sư Kiaer nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghien-cuu-tu-dai-hoc-oxford-ve-tac-dong-cua-k-pop-den-nhan-loai-va-am-nhac-20241218154931689.htm