Hồi sinh chợ truyền thống

Sau 5 ngày livestream, bà con tiểu thương chợ Bến Thành (TP.HCM) đã bán được 18.200 đơn hàng, tiếp cận 81,6 triệu người xem và đem về doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Thiết nghĩ, mô hình thành công này cần nhân rộng trên nhiều chợ truyền thống khắp cả nước, khi đang gặp phải tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Tại “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 – Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành”, hàng trăm tiểu thương tại chợ Bến Thành đã được các bạn trẻ, nhà sáng tạo nội dung hỗ trợ livestream bán hàng qua kênh Tiktok. Sự kiện gây dấu ấn bằng những con số đáng chú ý, theo đó gần 19.000 đơn hàng được bán, thu hút hơn 150 triệu lượt theo dõi tại các phiên livestream.

Bài học thành công ở chợ Bến Thành

Đại diện TikTok Việt Nam cho biết sau 5 buổi livestream, tiểu thương đã bán được 18.200 đơn hàng, tiếp cận 81,6 triệu người, mang về doanh thu 4,2 tỷ đồng.

Nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành được đào tạo livestream bán hàng.

Nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành được đào tạo livestream bán hàng.

Bà Nguyễn Thụy Bảo Trân, tiểu thương sạp mứt kẹo Ngọc Châu đã cháy hàng trong phiên livestream cao điểm. “Chưa bao giờ bán được nhiều và nhanh như vậy, kết quả vượt mong đợi. Trước phiên, tôi chỉ dám kỳ vọng sạp sẽ được mọi người biết đến rộng rãi hơn”, bà Trân nói.

Công ty Aeyes Global, đơn vị sở hữu công nghệ người ảo AI livestream bán hàng đã ghi nhận những thành công hơn dự kiến khi người ảo của họ đã giúp tiểu thương chốt hơn 900 đơn hàng với doanh số thu về cả trăm triệu đồng chỉ trong 18 tiếng đồng hồ livestream.

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, trong tương lai đơn vị sẽ phối hợp với TP.HCM tiếp tục nhân rộng, triển khai chương trình tập huấn chuyên sâu tại các chợ truyền thống.

Theo ông Thanh, bà con tiểu thương chợ Bến Thành đã có sẵn kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng, hầu hết tiểu thương đều bán hàng lâu năm tại chợ và có sự am hiểu sâu về sản phẩm. Vì vậy, nếu chuyển sang bán hàng online chỉ thiếu yếu tố kỹ thuật.

Ông Thanh nhấn mạnh: Kỹ năng bán hàng và hiểu sản phẩm là hai yếu tố khó nhất để bán được hàng, việc học kỹ thuật livestream hay bán online rất dễ, hàng triệu người đã thành công.

Cũng tại TP.HCM, để tạo nên diện mạo mới, Ban Quản lý chợ An Đông TP.HCM cho biết, ngoài hợp tác với các TikToker, YouTuber, ban quản lý chợ cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho tiểu thương ứng dụng công nghệ thông tin, bán hàng online, livestream bán hàng… đồng thời, vận động các tiểu thương áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Đơn cử, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông cho biết, chuẩn bị đến Noel, Ban quản lý sẽ thiết kế lại các điểm check in ngay trước sảnh của Ban Quản lý để thu hút thêm lượt khách đến tham quan, mua sắm tại chợ An Đông.

Với các giải pháp để “hồi sinh chợ” truyền thống, bà Trần Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, nhận định chợ truyền thống sẽ tồn tại, tuy nhiên giải pháp và mô hình nào phù hợp, thì thời gian tới nghiên cứu, đề xuất nghiên cứu đề án phát triển chợ TP.HCM.

“Đối với các chợ hoạt động hiệu quả, chúng tôi sẽ tính tới phương án chuyển đổi công năng, gom ngành hàng. Ngoài ra, tổ chức lớp trực tiếp cho tiểu thương quảng bá sản phẩm qua sàn thương mại, đa dạng thanh toán, khảo sát nhu cầu thương nhân để tổ chức tiếp cận nguồn hàng giá rẻ giảm kinh phí, và tăng độ cạnh tranh”, bà Quỳnh nhấn mạnh.

Tới nhân rộng trên cả nước

Tuy nhiên, không riêng chợ Bến Thành hay An Đông mà nhiều thủ phủ kinh doanh sầm uất trên cả nước đang lâm vào tình cảnh “chết yếu” như Bình Tây, Bà Chiểu (TPHCM); Ninh Hiệp; Đồng Xuân, chợ Mơ, Hàng Da (Hà Nội)… Nguyên nhân là do, khách hàng đã chuyển sang mua sắm trực tuyến, trong khi đó các tiểu thương không chuyển đổi kịp, dẫn đến hàng hóa nhập về là phá sản.

Theo các tiểu thương, livestream phải sử dụng công nghệ, có ngoại hình, nội dung hay và ekip hỗ trợ phía sau. Trong khi đó, những yêu cầu trên với họ là rất thiếu vì vậy, vẫn chật vật duy trì sạp hàng trong chợ truyền thống dù không biết tương lai sẽ thế nào.

Theo số liệu của Nielsen năm 2020, cả nước có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Bởi vậy, nếu không có giải pháp để “hồi sinh”, các chợ truyền thống có thể dần mất đi trong thời đại công nghệ phát triển “vũ bão” như hiện nay.

Chợ truyền thống muốn tồn tại và phát triển trước nguy cơ biến mất phải tự thay đổi, theo đó tiêu chí cần đáp ứng là giá cả cạnh tranh, chất lượng hàng hóa đảm bảo, mua bán thuận lợi, thanh toán tiện lợi. Đặc biệt, chợ truyền thống cần phải tránh tình trạng “chặt chém”, chửi mắng khách hàng, thay vào đó có thể trang trí các quầy hàng, sạp hàng sao cho khang trang, bắt mắt để thu hút khách.

Theo ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Công đoàn TP.HCM, thực tế, một số chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM như Bến Thành, Bình Tây… là điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước bởi rất nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là kiến trúc. Tuy nhiên, mãi lực nói chung của các chợ khá èo uột và thực trạng này khó tránh khỏi khi xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi.

Theo đó, các tiểu thương cần chủ động hơn nâng cấp chất lượng hàng hóa, bán hàng văn minh, không chặt chém khách, nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, niêm yết công khai, tăng cường dọn dẹp vệ sinh, làm sạch đẹp chợ… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy bán hàng qua kênh trực tuyến. Thêm vào đó, bản thân các tiểu thương cũng có thể triển khai các chương trình khuyến mại, thu hút khách.

Bên cạnh nhiệm vụ hỗ trợ các tiểu thương đổi mới phương thức bán hàng, ban quản lý các chợ và cơ quan quản lý Nhà nước có thể hỗ trợ nâng cấp, sửa sang chợ truyền thống khang trang, trở thành điểm đến mua sắm lý tưởng.

Có thể thấy, chỉ khi đáp ứng được những tiêu chí trên, chợ truyền thống trên khắp cả nước mới “sống” tốt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Các chợ truyền thống cần hướng đến mô hình chợ văn minh, hiện đại, thực sự trở thành điểm đến đáng tin cậy của người mua hàng, du khách trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM

Sự phát triển lớn mạnh của thương mại điện tử đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các chợ truyền thống, nhiều chợ hiện nay trong tình trạng rất vắng khách. Vì vậy, hoạt động livestream bán hàng tại chợ truyền thống nhằm góp phần thay đổi phương thức bán hàng cho các tiểu thương. Việc bán hàng thông qua livestream đang trở thành xu thế của thế giới, vì vậy, các tiểu thương cần có các kỹ năng bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Ông Trần Văn Trọng

Tổng Thư ký Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

Nếu mt thị trường mà các chủ thể tham gia không cần thay đổi vẫn “sống được” thì thị trường đó sẽ khó phát triển và các chủ thể không thể vươn ra quốc tế. Để hỗ trợ các tiểu thương thay đổi rất cần cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các nền tảng xuyên biên giới, cũng như từ chính cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu mô hình được nhân rộng ở các chợ truyền thống, khi đó chuyện ứng dụng thương mại điện tử mới thực tế.

Ông Vũ Quốc Chinh

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Mua sắm online tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh so với nhiều nước trong khu vực. Lực lượng tham gia lĩnh vực này ngày càng nhiều, nhất là hệ thống gọi xe công nghệ đã thúc đẩy hoạt động mua sắm, giao dịch qua kênh online thuận tiện. Điều này khiến các chợ truyền thống vắng khách. Chính vì vậy, chợ truyền thống phải tăng tốc thay đổi để vừa cạnh tranh, vừa bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường. Người bán thay vì thụ động ngồi chờ khách tới chợ như trước đây cần phải đẩy mạnh học hỏi bán hàng online, thay đổi phương thức thanh toán, đồng thời liên kết với các hình thức gọi xe công nghệ để giao hàng cho khách có nhu cầu.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/hoi-sinh-cho-truyen-thong-1097321.html