Hồi sinh công viên

Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có diện mạo mới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những công viên, vườn hoa đầu tư dở dang gây lãng phí tiền bạc, nguồn lực đất đai.

Công viên Thiên văn học từ khi mở cửa đã thu hút nhiều người dân đến vui chơi, tập luyện. Ảnh: P.Sỹ.

Công viên Thiên văn học từ khi mở cửa đã thu hút nhiều người dân đến vui chơi, tập luyện. Ảnh: P.Sỹ.

Cách đây 1 năm, việc Hà Nội tiến hành hạ rào một số công viên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Điển hình như Công viên Thống Nhất, sau khi gỡ bỏ một phần hàng rào kết nối với không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông - hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng) đã có nhiều thay đổi tích cực. Không chỉ người dân trong khu vực vào đây tập thể dục, mà dịp cuối tuần nhiều người ở xa cũng đưa con nhỏ đến đây dạo chơi. Việc gỡ bỏ hàng rào ở Công viên Thống Nhất là việc làm hay, giúp thúc đẩy sự phát triển của một thành phố hòa bình, thành phố vì mọi người.

Ông Trần Văn Cường, người dân ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) cho rằng, việc hạ bỏ rào sắt đã tạo nhiều thuận lợi để người dân có thể vào ra công viên. “Sau một năm, cảnh quan đã có nhiều thay đổi, đẹp hơn, sạch sẽ và thông thoáng hơn. Theo tôi, thời gian tới cần tháo hết phần rào còn lại để công viên văn minh hơn” - ông Cường chia sẻ.

Cũng trong năm 2023, Hà Nội đã chứng kiến nhiều công viên được hồi sinh. Trong đó có Công viên Long Biên nằm trên địa bàn quận Long Biên. Đây là công viên một thời gian dài bị bỏ hoang, rác thải nhếch nhác khiến nhiều người cảm thấy lãng phí. Tuy nhiên sau 10 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và được khai thác vào tháng 11/2023. Từ đó, công viên đã giải quyết được những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, khai thác công trình trong thời gian qua; tạo nên không gian xanh - sạch - đẹp - hiện đại, trở thành điểm nhấn đặc trưng về cảnh quan, kiến trúc của khu đô thị gắn với trung tâm hành chính của quận Long Biên.

Hay như Công viên Thiên văn học thuộc phường Dương Nội (quận Hà Đông), sau 4 năm bị bỏ hoang, tháng 2 vừa qua, công viên này cũng đã được đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu giải trí, thể dục thể thao của người dân trong khu vực. Hiện tại, toàn bộ các lối vào chính của công viên đã được tháo rào chắn. Không gian bên trong công viên thoáng đãng, rộng rãi. Khu vui chơi cũng thu hút nhiều gia đình có con nhỏ tham gia... Song, mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng đã có một số hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp cần được duy tu sửa chữa. Cảnh quan công viên còn sơ sài, cần được quan tâm đầu tư hơn nữa...

Theo anh Nguyễn Quang Minh (trú phường La Khê, quận Hà Đông), người dân sinh sống gần Công viên Thiên văn học: Công viên có quy mô khá lớn, khi đi vào sử dụng đã tạo ra một không gian xanh để phục vụ người dân. Để chất lượng công viên đảm bảo thì phía ban quản lý cũng cần thường xuyên kiểm tra, từ đó có biện pháp khắc phục những điểm xuống cấp. Bên cạnh đó, thời gian tới cần bổ sung một số hạng mục mới để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, trong khi lãnh đạo thành phố quyết tâm làm sống lại các công viên thì nhiều công viên vẫn tiếp tục xuống cấp, bỏ hoang, gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí.

Theo ghi nhận thực tế, Công viên Cầu Giấy cũng đã thực hiện việc hạ rào sắt. Nhưng mọi thứ còn ngổn ngang. Việc hạ rào ở đây vẫn còn dang dở, hàng quán, xe cộ vẫn bao vây phía ngoài. Thậm chí, người dân còn phải len qua khoảng trống giữa 2 cổng để có thể vào công viên.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng đánh giá, việc lãnh đạo TP Hà Nội quyết tâm phục hồi các công viên là hoàn toàn đúng. Công viên đóng vai trò quan trọng trong vấn đề vui chơi, giải trí của người dân Thủ đô. Trong giai đoạn vừa rồi đã triển khai, phục hồi một số công viên nhưng việc thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Vì vậy, tỷ lệ công viên hồi sinh chưa được nhiều, dẫn đến nơi vui chơi giải trí lành mạnh cho nhân dân vẫn là mong ước của nhiều người dân Thủ đô.

Theo bà An, nguyên nhân là do những nơi được thực hiện vẫn chưa thực sự quyết liệt. Cùng với đó, người được giao trách nhiệm cụ thể, nhất là quá trình phân cấp thực hiện chưa được đến nơi đến chốn. Việc đánh giá của thành phố một cách minh bạch, công khai về chuyện này cũng chưa được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí vẫn còn hạn chế.

Để thúc đẩy tiến độ hồi sinh công viên, theo bà An, thành phố cần có đánh giá từ khi có chủ trương đến nay, các địa phương đã thực hiện như nào, nơi nào làm tốt, nơi nào không làm tốt cần công khai. Từ đó khắc phục những bất cập tồn tại.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định chủ trương hồi sinh công viên là sự quyết liệt của thành phố Hà Nội. Song các công viên còn là không gian công cộng, nơi giao tiếp của cộng đồng. Vì vậy thiết kế, cải tạo cần có ý kiến của người dân. Việc lấy ý kiến của người dân là việc cần phải làm.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoi-sinh-cong-vien-10277376.html