Hồi sinh 'đất chết', đón các anh về! - Kỳ I: Khắc khoải những nỗi đau bom mìn
BHG - Hà Giang có trên 277 km đường biên giới, là nơi bước ra khỏi chiến tranh muộn nhất cả nước. Những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (1979 – 1989), tuyến đầu Hà Giang là nơi diễn ra những trận chiến đấu ác liệt, đó là lí do khiến vùng đất này có rất nhiều diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ (BMVN). Trong thời bình, những hậu quả chiến tranh, BMVN vẫn còn hiện hữu, đó là nỗi trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Giang, chạy đua với thời gian để sớm hoàn thành nhiệm vụ rà phá BMVN, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Giang hiện có 214 người là nạn nhân BMVN sau chiến tranh đang được nhận trợ cấp xã hội (không kể những người đã chết). Đa phần những gia đình nạn nhân bom mìn đều là những hộ nghèo do bị suy giảm khả năng lao động, là đồng bào các dân tộc thiểu số, sinh sống ở các xã biên giới, các xã gần khu vực biên giới.
Gặp gỡ những nạn nhân BMVN ở Hà Giang, đa phần là nạn nhân bị cụt chân, mù mắt..., không khỏi đau lòng trước nỗi đau đeo đẳng bà con bao năm. Kể với chúng tôi, chị Bồn Thị Thẩy, 45 tuổi, và anh Triệu Văn Nguyện, 44 tuổi, là những người Dao ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên), họ không khỏi buồn khi nhớ về những vụ việc của mình trước đây, trong lúc làm nương ở các khu vực khác nhau, họ đã giẫm phải mìn 652A, mỗi người bị cụt một chân. Mìn đã khiến họ mất đi hơn nửa sức lao động, mỗi khi trái gió trở giời, những vết thương cũ trên cơ thể vẫn còn hành hạ. Các nạn nhân BMVN cho biết, các thôn vùng biên ở Vị Xuyên, thôn nào cũng có nạn nhân mìn và vật nổ, thậm chí có người kém may mắn hơn đã tử vong.
Anh Triệu Văn Nguyện tâm sự thêm: "Những nạn nhân do mìn bị cụt chân, phải lắp chân giả, nhưng mỗi lần lắp, thay chân giả cũng rất tốn kém và do địa hình đi lại khó khăn, chân giả cũng mòn hỏng rất nhanh. Một lần thay chân giả, tiền bằng cả một năm nhận trợ cấp xã hội của nạn nhân bom mìn. May mắn, thi thoảng có những đơn vị từ thiện đến hỗ trợ lắp chân giả cho những nạn nhân bị cụt chân. Hằng năm cũng có tổ chức, cá nhân và chính quyền, đoàn thể quan tâm, động viên, thăm hỏi, giúp những nạn nhân BMVN như chúng tôi nên khó khăn phần nào vơi bớt".
Với anh Bàn Văn Chẩu, dân tộc Dao, 37 tuổi, ở thôn Nậm Tà, xã Thanh Đức (Vị Xuyên), trong lúc đi làm nương cùng bà con, anh không may giẫm dính mìn, bị cụt 1 chân, nhiều mảnh kim loại hiện còn lẫn trong cơ thể. Mất sức lao động khiến 2 vợ chồng anh Chẩu và 3 người con là một trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhất của xã, đôi khi trợ cấp xã hội 570.000đ/tháng của anh trở thành thứ cứu cánh của gia đình khi giáp hạt. Anh Chẩu cho biết: "Dù nhiều diện tích đã được Đảng, Nhà nước quan tâm rà phá, nhưng còn nhiều chỗ vẫn chưa được làm sạch mìn, đạn pháo, còn nhiều nguy cơ đối với người dân. Bà con mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh rà phá để người dân có đất sạch sản xuất".
Bà Bồn Thị Sinh, 72 tuổi, ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) cũng bị cụt một chân do giẫm phải mìn từ năm 2014. Gặp bà hỏi về chuyện xưa, bà kể mà như vẫn còn sợ hãi về sự việc đã xảy ra nhiều năm trước. Bà Sinh tâm sự: "Ở nhiều thôn dọc tuyến biên giới Vị Xuyên, Quản Bạ…, cho đến giờ thi thoảng sau những trận mưa lớn, đất đá sạt lở lại làm lộ những trái mìn nằm trơ ra rất nguy hiểm. Trước đây, có những vụ cháy rừng ở khu vực có mìn, nhiều mìn nằm sát mặt đất bị nóng gây nổ, đàn bò nhỡ đi lạc vào khu vực có mìn, mìn nổ bò cũng chết đấy".
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lý Văn Bàn, Phó chủ tịch UBND xã Xín Chải (Vị Xuyên), cho biết: "Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Các thôn biên giới trong hàng chục năm qua có nhiều người dân là nạn nhân BMVN. Địa bàn xã Xín Chải đã được sự quan tâm của Nhà nước với nhiều chương trình rà phá từ năm 2006 đến nay, nhưng hiện trên địa bàn 2 thôn biên giới của xã vẫn còn nhiều diện tích chưa được rà phá hết. Vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người và gia súc. Vì thế cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vẫn thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhân dân tránh không đi vào những vùng cảnh báo có mìn".
Dù đã có sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong việc bố trí ngân sách cho công tác rà phá BMVN, nhưng qua nhiều năm, toàn tỉnh mới nỗ lực làm sạch được trên 12 ngàn ha đất biên giới bị ô nhiễm nặng, vẫn còn nhiều diện tích bị ô nhiễm nặng cần ưu tiên rà phá. Vì thế, trong nhiều lần trao đổi tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, trong đó đặc biệt là đại biểu Quốc hội khóa XIV Sùng Thìn Cò và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần nêu ý kiến đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm đến công tác rà phá BMVN ở tuyến biên giới Hà Giang. Bởi đó không chỉ là việc xóa đi những nguy cơ “tử thần”, trao đất sạch cho bà con sản xuất, phục vụ phát triển KT – XH, AN - QP, mà còn là việc làm đặc biệt để chúng ta có thể chạy đua với thời gian, sớm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đang còn nằm lại nơi mưa rừng, gió núi, sớm đưa các anh trở về với quê hương, đồng đội.
Kỳ II: Những nỗ lực hồi sinh "đất chết"
Nhóm PV Điện tử (thực hiện)