Hồi sinh hệ sinh thái đa dạng trên đồng ruộng
Sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt đã mang lại sự đột phá về năng suất cây trồng, giải quyết nhanh chóng vấn đề thiếu lương thực và từ đó nông dân có thu nhập cao hơn. Nhưng sau hơn nhiều thập niên lạm dụng chúng đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà không chỉ người nông dân gánh chịu. Đất đai chai cứng, thiên địch bị hủy diệt, sâu bệnh ngày càng nhiều, thuốc bảo vệ thực vật và các chất hóa học tồn dư trong sản phẩm nông nghiệp gây ngộ độc cho người sử dụng, ô nhiễm môi trường… đe dọa đến cuộc sống của con người và tất cả các loài sinh vật. Vì vậy, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường nhất thiết phải thay đổi phương thức canh tác theo hướng thân thiện với môi trường.
Những năm qua, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị lựa chọn sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực như: gạo hữu cơ chất lượng cao, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả đặc sản… nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kĩ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chú trọng sản xuất hữu cơ, tạo sản phẩm hàng hóa, đồng nhất, an toàn nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Từ mục tiêu đó, sau hơn 4 vụ sản xuất thử nghiệm, hệ sinh thái trên đồng ruộng đã được cải thiện đáng kể.
Mô hình canh tác hữu cơ hiện nay đang mang lại hiệu quả cao là mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao giữa các địa phương với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam (Công ty Đại Nam), trực tiếp đại diện là Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTO). Sau 4 vụ triển khai với gần 500 ha lúa chất lượng cao mặc dù chịu nhiều tác động bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, thị trường nông sản biến động, nhưng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ Obi - Ong biển đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi, mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, giúp nâng cao nhận thức của người nông dân về canh tác theo hướng hữu cơ để trả lại môi trường sinh thái cho đồng ruộng, tạo ra nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị.
Gia đình ông Nguyễn Nhật ở xã Gio Mỹ, Gio Linh tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã 4 vụ nay với diện tích hơn 2 mẫu. Nhờ tuân thủ đúng các quy trình kĩ thuật và sử dụng giống lúa có chất lượng tốt nên vụ nào ruộng của ông cũng đạt năng suất lúa rất cao, điển hình như vụ đông xuân năm 2018- 2019, đạt 8 tấn lúa tươi/ha, lợi nhuận đạt được 38 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất truyền thống trước đây gần 20 triệu đồng/ha. Nhưng điều quan trọng hơn đối với ông Nhật cũng như nhiều nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ là cá tôm và nhiều loài sinh vật khác đã quay trở lại trên đồng ruộng, điều mà 2 năm trước đây ít thấy. Ông Nhật cho biết: “Trước đây, trồng lúa phun nhiều lắm, con gì cũng khó sống trên đồng ruộng. Nay sau 4 vụ canh tác sạch, chỉ bón phân hữu cơ Ong biển, ngoài ra không bón thêm các loại phân vô cơ hay thuốc bảo vệ thực vật nào hết nên tôi thấy các loài chim, cá, tôm, ốc, cua đồng… sinh sôi nhiều lắm. Nhiều hộ đi bắt về bán kiếm thêm thu nhập khá và cũng đã trở thành một nghề sinh sống cho nhiều người”.
Mặc dù canh tác hữu cơ cho sản phẩm nông nghiệp không đẹp mắt lắm nhưng sản phẩm thực sự an toàn, bán được giá, không ô nhiễm môi trường canh tác. Hiệu quả quan trọng hơn mà phương thức canh tác hữu cơ đưa lại là cải thiện đáng kể môi trường đất, nước, tạo được hệ sinh thái đa dạng bền vững trong tự nhiên, phát triển được thiên địch, cân bằng môi trường sinh thái nên cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, trong khi chi phí khá thấp do tận dụng được các chất thải trong nông nghiệp, tiết kiệm được chí phí về thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.... Quy trình sản xuất này không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, môi trường nông thôn trong lành hơn, tạo ra sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Theo tính toán, trong trồng lúa áp dụng canh tác hữu cơ giảm chi phí khoảng trên dưới 60% nhưng sản lượng vẫn không giảm, thậm chí có nơi tăng, giá bán sản phẩm cao hơn nên thu nhập tăng thêm rất nhiều so với phương pháp canh tác vô cơ đang phổ biến hiện nay. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng trị Võ Văn Hưng cho biết: “Hơn ai hết người nông dân thấy rõ hậu quả của việc lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật nên hiện nay họ thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc hoàn trả lại cho đất độ phì nhiêu tự nhiên và hệ sinh thái trên đồng ruộng. Sau 2 năm thực hiện canh tác hữu cơ, kết quả là ngoài giá trị từ cây lúa, người nông dân đang nhận lại một hệ sinh thái đa dạng trên đồng ruộng mang đến cho họ nhiều sinh kế để ổn định cuộc sống”.
Trên những cánh đồng canh tác hữu cơ của nông dân trong tỉnh, giờ đây nông dân không chỉ vui niềm vui được mùa mà còn sống trong niềm vui vì cá tôm quay trở lại trên đồng lúa sạch. Đây mới là niềm vui bền vững mà người nông dân đang tìm lại được khi thực hiện canh tác nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140240