'Hồi sinh' khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang
Vịnh Nha Trang, đặc biệt là khu vực bảo tồn biển Hòn Mun từng trải qua giai đoạn suy thoái đáng báo động, giờ đây đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Cá voi xuất hiện và săn mồi tại khu vực biển Hòn Rơm thuộc Khu bảo tồn biển - vịnh Nha Trang
Hệ sinh thái biển đang dần lấy lại sức sống vốn có với sự trở lại của đa dạng các loài hải sản và sinh vật biển như cá, rùa. Đây là minh chứng rõ nét cho sự cải thiện đáng kể về chất lượng môi trường nước và nguồn thức ăn dồi dào.
Cá voi bơi lội, cá heo nhảy múa
Ông Đàm Hải Vân, Giám đốc Ban Quản lý vịnh Nha Trang phấn khởi cho biết, chiều ngày 22.7 vừa qua, một con cá voi lớn đã xuất hiện và săn mồi tại khu vực biển Hòn Rơm thuộc Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, cách trung tâm Nha Trang chỉ khoảng 13 km.
Trước đó cùng ngày, vào khoảng 11h trưa, một thành viên của câu lạc bộ lặn biển Nha Trang đã kịp ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu khi cá voi ngoi lên mặt nước đớp mồi, phía trên là đàn chim hải âu bay lượn, tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động và hùng vĩ.
Ông Vân cho biết, đây là lần đầu tiên cá voi được ghi nhận xuất hiện tại Hòn Rơm, một khu vực trước đây chỉ thấy cá heo. Việc một loài vật khổng lồ như cá voi đến săn mồi tại đây là hiện tượng vô cùng hiếm gặp và mang ý nghĩa lớn.
“Khu vực Hòn Rơm được bảo vệ nghiêm ngặt nên sự xuất hiện của cá voi là một tín hiệu cực kỳ tích cực, phản ánh chất lượng môi trường nước đã được cải thiện rõ rệt. Nguồn lợi thủy sản phong phú đã thu hút các đàn cá nhỏ, và từ đó kéo theo sự trở lại của những loài động vật biển lớn hơn, điển hình là cá voi”, ông Vân cho hay.
Trước đó, ngày 18.5, vịnh Nha Trang cũng đã chào đón hàng trăm con cá heo, tạo nên một chuỗi hiện tượng tích cực liên tiếp. Điều này khẳng định rằng hệ sinh thái biển nơi đây đang dần phục hồi mạnh mẽ sau nhiều năm chịu tác động từ hoạt động du lịch và khai thác.
Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã ra thông báo khuyến cáo du khách và ngư dân nếu bắt gặp cá voi hay các loài sinh vật biển lớn khác, chỉ nên quan sát từ xa, tránh tiếp cận gần để không làm ảnh hưởng đến hoạt động tự nhiên của chúng. Đồng thời, Ban Quản lý cũng kêu gọi toàn thể cộng đồng tiếp tục chung tay bảo vệ môi trường biển, biến vịnh Nha Trang thực sự trở thành “ngôi nhà” an toàn và bền vững cho muôn loài sinh vật biển.

Một góc Di tích danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang
Quyết tâm phục hồi biển cả
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa cho biết, vịnh Nha Trang không chỉ là danh thắng cảnh quốc gia mà còn là thành viên của Câu lạc bộ những Vịnh đẹp nhất thế giới, với giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học vượt trội, sở hữu hầu hết các hệ sinh thái đặc thù, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, môi trường vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng đã có biểu hiện suy thoái. Do đó, việc giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang, bao gồm khu vực biển Hòn Mun, trở thành một nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu xây dựng, thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 đã được xây dựng và ban hành. Kế hoạch là kết quả của sự đóng góp ý kiến từ rất nhiều nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia tại Khánh Hòa như Viện Hải dương học, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3.
Mục tiêu chính của Kế hoạch là hướng tới phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực bảo tồn biển Hòn Mun và toàn vịnh Nha Trang. Huy động doanh nghiệp và cộng đồng tham gia giám sát, bảo vệ và bảo tồn rạn san hô, gắn liền với phát triển sinh kế bền vững và các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với vịnh Nha Trang thông qua cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan, với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng. Thử nghiệm mô hình quản trị công tư theo hướng xã hội hóa trong quản lý, sử dụng và bảo tồn vịnh Nha Trang. Xây dựng cơ chế tài chính bền vững, kết hợp ngân sách nhà nước với việc huy động tối đa nguồn đóng góp từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng vịnh Nha Trang, cùng các nhà tài trợ trong và ngoài nước…
Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa cho tạm dừng các hoạt động du lịch lặn biển có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô tại các địa điểm bị suy thoái nghiêm trọng ở Hòn Mun và các khu vực khác trong vịnh. Nghiêm cấm mọi hoạt động xâm hại đến môi trường sống và rạn san hô ở khu vực Hòn Mun và các vùng lõi khác trong vịnh Nha Trang.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang, đồng thời tạm thời giữ nguyên diện tích và tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện có. Di chuyển hoạt động lưới đăng ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt phía nam Hòn Mun. Cùng với đó, tỉnh Khánh Hòa cũng tập trung vào việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang và Đội quản lý liên ngành.
Điều này bao gồm việc tăng cường trang thiết bị chuyên môn, bổ sung lực lượng từ Thanh tra chuyên ngành Thủy sản, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia Đội quản lý liên ngành. Đồng thời, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong vịnh Nha Trang, đặc biệt là rà soát, hoàn chỉnh Quy chế phối hợp quản lý nhà nước, xây dựng Quy chế quản lý các hoạt động dịch vụ, kiểm soát chất thải (bao gồm rác thải nhựa), và xây dựng chính sách về giá, phí dịch vụ.
Với những nỗ lực toàn diện này, vịnh Nha Trang đang đứng trước cơ hội lớn để trở lại là một trong những điểm đến biển đẹp nhất thế giới, nơi con người và thiên nhiên cùng chung sống hài hòa.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/hoi-sinh-khu-bao-ton-bien-vinh-nha-trang-156860.html