Hồi sinh sông Tô Lịch: Hà Nội tăng tốc thi công đập dâng, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ
Gần 6 tháng kể từ khi Hà Nội chính thức chỉ đạo đẩy nhanh công tác hồi sinh sông Tô Lịch, hàng loạt hoạt động trọng điểm đã được triển khai, bước đầu đem lại những kết quả khả quan. Trong đó, đập dâng đầu tiên – công trình kỹ thuật then chốt – đang sắp hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào vận hành trong tháng 8 tới.

Nạo vét bùn thải trên sông Tô Lịch là một trong những công việc trọng tâm được TP đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua.
Hơn nửa năm triển khai thần tốc
Từ chỉ đạo hồi sinh sông Tô Lịch được giao đầu tháng 2/2025, TP Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc với một chuỗi giải pháp tổng hợp. Tính đến đầu tháng 7, các hoạt động thuộc giai đoạn 1 đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận.
Về công tác nạo vét, gần 45.000m³ bùn đáy đã được xử lý tại các đoạn trọng yếu từ Hoàng Quốc Việt đến cầu Dậu. Lòng sông từng bị bồi lấp nghiêm trọng đã được khơi thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ sung và điều tiết nước sau này.
Cùng với đó, TP đã hoàn thành kết nối phần lớn hệ thống thu gom nước thải dọc tuyến sông vào mạng lưới xử lý tập trung. Khoảng 26 họng xả thải lớn đã được chuyển hướng về Nhà máy Yên Xá. Hạ tầng thoát nước tại các phường nằm dọc sông như Kim Giang, Thịnh Liệt, Ngã Tư Sở… đã được cải tạo, bịt kín các điểm xả trực tiếp ra sông.
Ngoài ra, Hà Nội đã tăng cường công tác giám sát và xử lý vi phạm xả thải. Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị yêu cầu nâng cấp hệ thống xử lý hoặc đình chỉ hoạt động. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cũng được đẩy mạnh, khuyến khích hạn chế xả rác và nước thải trực tiếp ra sông. Những nỗ lực này, dù chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm, đã tạo nền tảng vững chắc để triển khai các hạng mục kỹ thuật quan trọng tiếp theo.
Tính đến tháng 7/2025, đập dâng đầu tiên tại khu vực Thanh Liệt đã hoàn thiện khoảng 95% khối lượng. Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường Hà Nội, các hạng mục chính như thân đập, cửa van điều tiết hai chiều, trạm bơm cưỡng bức, bể thu nước và hệ thống cấp điện đã được lắp đặt xong.
Hiện đơn vị thi công đang hoàn thiện phần cầu đi bộ và đài quan sát phía trên đập – công trình phụ trợ phục vụ vận hành và giám sát dòng chảy. Dự kiến, toàn bộ đập sẽ được hoàn thiện và đưa vào vận hành trước 30/8/2025, đúng mốc tiến độ mà thành phố đặt ra.
Bên cạnh công năng kỹ thuật, đập dâng còn là điểm nhấn kiến trúc với thiết kế mở, kết nối hai bờ bằng cầu bộ hành, có thể trở thành không gian cảnh quan đô thị kết hợp giám sát.
Thiết kế đài quan sát hình bát giác không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn mở ra tiềm năng du lịch. Trong tương lai, đài quan sát có thể trở thành điểm dừng chân để người dân và du khách chiêm ngưỡng cảnh quan hai bên bờ sông, góp phần vào hành lang sinh thái và không gian công cộng mà TP đang định hướng phát triển.
Cùng thời điểm, hai đập dâng còn lại tại khu vực cầu Dậu (quận Hoàng Mai cũ) và cầu Cót (quận Cầu Giấy cũ) đang được chuẩn bị mặt bằng và vật tư để khởi công trong quý III/2025.

Đập dâng trên sông Tô Lịch tại khu vực cầu Quang đang dần thành hình.
Các phương án đảm bảo tiến độ, hiệu quả
Giai đoạn 1 của kế hoạch hồi sinh sông Tô Lịch dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2025. Trong đó, đập dâng giữ nước, hệ thống thu gom nước thải, bổ cấp dòng chảy và quan trắc chất lượng nước là những trụ cột chính. Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, tiến độ đến thời điểm này cơ bản bám sát kế hoạch đề ra, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ chậm trễ nếu không tiếp tục duy trì áp lực kiểm tra – giám sát thường xuyên.
Bước sang giai đoạn tiếp theo, TP Hà Nội tập trung vào hoàn thiện hệ thống đập dâng còn lại và triển khai bổ cấp nước sạch từ sông Hồng vào sông Tô Lịch dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2025. Việc bổ cấp nước sạch là yếu tố quan trọng giúp duy trì dòng chảy liên tục, cải thiện chất lượng nước và phục hồi hệ sinh thái.
Song song với đó, công tác nạo vét sẽ được mở rộng, tập trung vào các đoạn sông còn bồi lắng, đồng thời thực hiện các biện pháp chống sạt lở bờ sông nhằm bảo vệ cảnh quan và an toàn cho người dân. Việc thu gom nước thải cũng cần được đẩy nhanh, hoàn thiện đấu nối các họng xả còn lại vào hệ thống xử lý để ngăn chặn nguồn ô nhiễm mới.
Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả dự án, các chuyên gia và lãnh đạo Ban Quản lý dự án đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thi công, các cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư để xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. Việc huy động nguồn lực, tổ chức thi công liên tục 24/24 giờ cũng là yếu tố then chốt nhằm không để chậm tiến độ.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ hiện đại trong giám sát chất lượng nước, vận hành đập dâng và quản lý hệ thống xử lý nước thải sẽ giúp nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro. Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ dòng sông cũng cần được đẩy mạnh, tạo sự đồng thuận và trách nhiệm chung.
Các chuyên gia môi trường nhấn mạnh, hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là công trình kỹ thuật mà còn là bài toán tổng thể về quản lý môi trường và phát triển bền vững. Nếu các giải pháp không được triển khai đồng bộ, nguy cơ tái ô nhiễm là rất lớn.
TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu trong năm 2026, sau khi hoàn thành hệ thống đập và nạo vét toàn tuyến, sông Tô Lịch có thể chuyển sang giai đoạn quản lý vận hành ổn định, hướng tới phục hồi sinh thái, hình thành không gian cảnh quan, văn hóa – du lịch hai bên bờ.