Hồi sinh tiếng ching kram giữa buôn làng

Từng bàn tay nhỏ bé thoăn thoắt chặt tre, đẽo thành ching kram (chiêng tre), đing tuk, sáo chim... Cũng những bàn tay rám nắng ấy gõ lên nhịp điệu âm vang của núi rừng, nhịp điệu của muôn đời cha ông người Ể Đê. Góp phần khơi lại tình yêu nguồn cội, giúp các em hiểu về vốn quý của dân tộc mình là cô giáo Thanh Phương và nghệ sĩ Nguyễn Trường với mô hình giáo dục mới mẻ.

Lớp học nhạc cụ tre nứa của học sinh Ê Đê bắt nguồn từ đề tài nghiên cứu "Dạy học gắn liền với bối cảnh văn hóa, xã hội" của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương, giảng viên bộ môn Vật lý, trường Đại học Tây Nguyên. Đề tài này thuộc một góc nhỏ của mô hình "Giáo dục vì sự phát triển bền vững"- xu thế giáo dục thịnh hành ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là phương thức dạy học không máy móc, cứng nhắc theo giáo trình mà áp dụng linh hoạt tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình của học sinh, bối cảnh văn hóa xã hội của mỗi địa phương. Tại Việt Nam, mô hình này đã du nhập và bắt đầu triển khai ở nhiều nơi.

Cô Thanh Phương (đeo kính) cùng nhóm học sinh chế tác ching kram.

Cô Thanh Phương (đeo kính) cùng nhóm học sinh chế tác ching kram.

Nhận thấy các em học sinh Ê Đê ở buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk rất yêu âm nhạc dân tộc nhưng lại không có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, cô Phương rất trăn trở. Điều đáng buồn là chính ở buôn làng, được mặc định là nơi giữ gìn và truyền nối bản sắc truyền thống, hoạt động truyền dạy cho lớp trẻ rất mờ nhạt. Các nhạc cụ cổ xưa của người Ê Đê dần vắng bóng và có nguy cơ thất truyền. Cô Thanh Phương muốn làm một điều gì đó, phải để tự các em học hỏi, tìm tòi và giữ lấy bản sắc dân tộc mình. Bởi tiếp xúc với các em, cô nhận thấy em nào cũng khao khát khám phá cái hay, nét đẹp của âm nhạc tổ tiên. Nó đã nằm trong da thịt, trong huyết quản, chảy âm ỉ bao đời như con suối đại ngàn. Chỉ cần có người khơi lại mạch nguồn, con suối ấy lại ầm ào thác lũ.

Đối tượng nghiên cứu của cô Thanh Phương là nhạc cụ tre nứa Ê Đê và người trải nghiệm mô hình giáo dục này là các em học sinh dân tộc thiểu số lớp 7. Chương trình Vật lý lớp 7 có bài học chủ đề về âm thanh. Cô mong muốn thông qua giờ học Vật lý với nhạc cụ truyền thống, học sinh bản địa không chỉ tiếp thu kiến thức khoa học về nguồn âm, độ cao và độ to của âm mà quan trọng nhất, chúng sẽ tìm hiểu và thêm yêu kho tàng âm nhạc đặc sắc của dân tộc mình, chung tay bảo tồn truyền thống.

Là "dân" khoa học tự nhiên, cô Thanh Phương không rành rẽ về âm nhạc mà chỉ am hiểu về nguyên lý tạo ra âm thanh của từng loại nhạc cụ. Cô cần người chuyên về âm nhạc, am hiểu các loại nhạc cụ của đồng bào để hỗ trợ, đồng hành với mình. Điều cô lo lắng là nhiều nghệ nhân bản địa đạt tới trình độ thượng thừa khi trình tấu nhạc cụ Ê Đê, nhưng không phải ai cũng hiểu sâu sắc về nguồn gốc, cái hay và đặc trưng riêng của từng loại nhạc cụ để giảng giải cho con cháu. Mất một thời gian tìm kiếm, cô được một người bạn giới thiệu với nghệ sĩ Nguyễn Trường. Gắn bó và nghiên cứu âm nhạc Tây Nguyên đã hơn 40 năm, nghệ sĩ Nguyễn Trường, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đắk Lắk, là người thầy hỗ trợ cho cô rất nhiều trong dự án này. Ông không chỉ chơi giỏi mà còn chỉ dẫn tỉ mỉ để Phương cùng các bạn nhỏ Ê Đê tập tành chế tác và trình diễn nhạc cụ tre nứa.

Thầy Nguyễn Thế Bảo, đại diện trường THCS Ea Bhôk cho biết, khi cô Phương ngỏ lời triển khai dự án, ban giám hiệu rất vui mừng nhưng cũng khá lo lắng. Cư Kuin là một trong những huyện có tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh Đắk Lắk. Riêng trường THCS Ea Bhôk, tỉ lệ học sinh Ê Đê chiếm tới 98 phần trăm. Tuy vậy, cuộc sống của hầu hết đồng bào đều rất khó khăn. Nhiều nhà phải chạy ăn từng bữa. Ngày nghỉ, các em lại bận đi lễ nhà thờ, lên nương lên rẫy hoặc phụ giúp việc nhà cho cha mẹ. Là trường vùng sâu vùng xa, nguồn kinh phí thiếu thốn nên việc triển khai lớp học cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống cho các em trở thành thách thức. Mong mỏi ở các lớp tự phát trong cộng đồng cũng vô vọng bởi buôn Ea Kmar rất thiếu thốn nhạc cụ truyền thống.

Học sinh Ê Đê buôn Ea Kmar trình diễn nhạc cụ tre nứa do các em chế tác.

Học sinh Ê Đê buôn Ea Kmar trình diễn nhạc cụ tre nứa do các em chế tác.

Thời gian đầu, cô Phương và thầy Trường gặp không ít khó khăn vì một mặt phải nhờ giáo viên vận động các em đi học, mặt khác lại lo tìm chỗ dạy và nguồn tre để làm nhạc cụ. Lớp học nhạc cụ tre nứa ngày chủ nhật ở nhà rông buôn làng chỉ có tám em học sinh lớp 7 của trường THCS Ea Bhôk tham gia. Vậy mà từ nhóm học lèo tèo vài ba em ấy, sau gần ba tháng đã lên tới hơn 30 em. Tiếng đàn, tiếng chiêng rộn rã khắp vùng, phát ra từ căn nhà rông quyến dụ các em đến chứ chẳng khiến cô Phương, thầy Trường nhọc công vận động nữa. Còn gì hơn tiếng gọi của nguồn cội, được hồi sinh giai âm từ thuở ngàn xưa? Nghệ sĩ Nguyễn Trường cho biết: "Các em rất ham học, lĩnh hội vốn âm nhạc truyền thống rất nhanh. Vì trong các em đã có sẵn tình yêu, lòng tự hào với âm nhạc dân tộc nên chỉ cần chỉ dạy vài buổi là lũ trò nhỏ đã nắm bắt cơ bản kỹ năng chế tác và trình diễn các nhạc cụ ching kram, đing tuk, sáo chim, ching pơng…".

Nhìn tụi nhỏ hò nhau đi chặt cây tre to bằng bắp chân người lớn, nhìn những bàn tay nhỏ say mê gõ nhịp ching kram trong niềm tự hào, lòng họ cũng rộn rã như tiếng chiêng đang vang vọng khắp buôn làng. Cô Phương hạnh phúc kể: "Vài tuần đầu, tôi và thầy Trường còn đi từng nhà phát bánh kẹo "dụ" các em đi học, cầm tay dạy các em cách chẻ tre, vót nứa, đục lỗ, khoét thanh sao cho ra được tiếng nhạc, tiếng chiêng. Bây giờ, tụi nhỏ đã tự làm được hết mọi thứ. Tụi nó mê lắm, cứ đến chủ nhật mà không thấy cô Phương, thầy Trường xuống là tụi nó gọi điện thoại ơi ới, hỏi sao thầy cô chưa xuống dạy bọn con. Còn giờ thành thạo rồi, chẳng cần đợi chúng tôi xuống, đến chủ nhật là tụi nhỏ tự "đạo diễn" luôn rồi quay video khoe với thầy cô".

Điều khiến cô Phương vui mừng nhất là sự lan tỏa tự thân rất mạnh mẽ của dự án này đã thúc đẩy trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Những em chơi tốt đã bắt đầu tự dạy lại cho lớp đàn em. Cứ thế, lớp học càng lúc càng đông vui. Thầy Nguyễn Thế Bảo cho hay, nhờ hiệu ứng của lớp học mà vừa rồi, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật để giảng dạy và tạo cơ hội cho các em tìm hiểu văn hóa, âm nhạc Ê Đê. Câu lạc bộ được đưa vào chính khóa, sinh hoạt vào thứ tư hàng tuần với số lượng học sinh tham gia không ngừng tăng lên. Tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, đội chiêng của trường trình làng tiết mục đầu tiên khiến học sinh rất phấn khích, tự hào. Trường Dân tộc nội trú huyện Cư Kuin cũng liên hệ cô Phương để tìm hiểu cách thực hiện mô hình giáo dục độc đáo này.

Thắp lại tình yêu bản sắc dân tộc và nối truyền cho học trò Ê Đê là điều mà các giáo viên và phụ huynh ở đây mong mỏi. Nhìn chiếc ching kram của con gái ngân lên âm thanh rộn rã, ông Ama H'Châu tợp một ngụm rượu mà cười sang sảng: "Đã lâu rồi buôn mình không được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng. Giờ đi đâu cũng thấy lũ trẻ đánh, dân làng ai cũng vui cái bụng lắm. Không uổng công tụi tôi thôi cho con lên nương, lên rẫy để ở nhà học chiêng".

Trên địa bàn tỉnh có nhiều lớp truyền nghề của nghệ nhân cho thế hệ trẻ. Nhưng không ít hoạt động này mang tính hình thức, phong trào hoặc ngắn hạn. Lớp tan, thầy về, coi như các em cũng đường ai nấy đi. Tiếng chiêng nhạt dần vào mùa lúa mới. Để phát huy hiệu quả của dự án, cô Phương cố gắng tạo điều kiện giúp các em có thể đi biểu diễn ở nhiều nơi. Cô động viên các bạn gắn bó lâu dài với âm nhạc cha ông, trở thành những nghệ nhân, nghệ sĩ thực thụ trong tương lai. Hơn hết, các em đến với dự án vì lòng ham thích chứ không phải bị ép buộc. Tự các em sẽ là người giữ lửa và trao truyền đến nhau để âm vang của buôn làng được ngân xa trong đời sống hiện đại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hoi-sinh-tieng-ching-kram-giua-buon-lang-i715720/