Hồi sức tích cực thành công ba thai nhi chung bánh rau, khác túi ối

Sản phụ sinh lần thứ tư mang tam thai chung bánh rau, khác túi ối được sinh mổ thành công tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Đây là trường hợp hy hữu, hiếm gặp có tỷ lệ khoảng 0,0028%.

Sản phụ tìm đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ở tuần thai thứ 10. Qua thăm khám, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê nhận định đây là trường hợp rất hiếm gặp và nguy hiểm trong sản khoa. Tam thai chung bánh rau có thể gây ra nhiều nguy cơ trong thai kỳ đối với cả mẹ và con.

Người mẹ có rủi ro bị tiền sản giật, cao huyết áp, băng huyết sau sinh… còn thai nhi phải đối mặt với sảy thai, sinh non... Bên cạnh đó, những biến chứng xảy ra trong quá trình mang thai có thể kể đến: Truyền máu song thai, thai chậm phát triển trong tử cung có chọn lọc…

 ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê chuẩn bị cho ca sinh mổ tam thai chung bánh rau. Ảnh: BVCC.

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê chuẩn bị cho ca sinh mổ tam thai chung bánh rau. Ảnh: BVCC.

Sau khi trao đổi cùng gia đình, việc giảm thiểu thai là lựa chọn ưu tiên của bác sĩ sản khoa để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Đến tuần 16, một thai nhi bắt đầu có dấu hiệu chậm phát triển trong tử cung. Tuy nhiên, thai này lại nằm giữa hai thai khỏe mạnh còn lại. Nhau thai bám hoàn toàn vào mặt trước thành tử cung, gây khó khăn cho việc tạo đường tiếp cận để giảm thiểu thai nhi bị chậm phát triển. Bác sĩ Hiền Lê chỉ định tạm thời giữ lại ba thai và theo dõi đến khi tử cung phát triển còn bánh rau nhỏ lại.

Khó khăn chồng chất khó khăn, sản phụ xuất hiện hội chứng truyền máu song thai. Hội chứng ở giai đoạn 1 và 2 nhưng thai chậm phát triển bị ép sát khiến đường tiếp cận gần như là không thể. Sau nhiều lần theo dõi, bác sĩ và gia đình quyết giữ lại ba thai, sản phụ được thăm khám 2 tuần một lần.

Đối với sản phụ tam thai chung bánh rau, hành trình mang thai và sinh nở trở nên khó khăn và gian nan hơn nhiều lần. Ở tuần 25 và 27, thai nhi chậm phát triển liên tiếp gặp phải tình trạng nặng như mất sóng tâm trương, đảo ngược sóng doppler của động mạch rốn… Trước những chuyển biến khó lường, sản phụ được chỉ định nhập viện, tiêm trưởng thành phổi và theo dõi hàng ngày.

 Ê kíp Sản khoa của BVĐK Tâm Anh Hà Nội thực hiện mổ tam thai chung bánh rau. Ảnh: BVCC.

Ê kíp Sản khoa của BVĐK Tâm Anh Hà Nội thực hiện mổ tam thai chung bánh rau. Ảnh: BVCC.

Đến 28 tuần 1 ngày, thai nhi chậm phát triển bị mất sóng a của ống Arantius, nguy cơ mất tim thai chỉ trong 24 giờ. Bác sĩ Hiền Lê cùng ê-kíp ngay lập tức chuẩn bị công tác mổ bắt thai. Khi một trong ba thai mất đi, hai thai còn lại sẽ bị mất máu nghiêm trọng vì máu từ hai thai bình thường sẽ chảy sang thai bị mất. Tình trạng thiếu máu nặng sẽ khiến hai thai còn lại tổn thương não, thậm chí là tử vong.

Chuẩn bị cho ca mổ, sản phụ được tiêm trưởng thành phổi và truyền Magne sulfat để bảo vệ não cho thai nhi. Đồng thời, BS.CKII Lê Tố Như cùng cộng sự thuộc khoa Sơ sinh lập tức thực hiện hồi sức tích cực để đảm bảo hô hấp cho các bé ngay khi chào đời.

 BS.CKII Lê Tố Như cùng cộng sự thực hiện hồi sức tích cực cho thai nhi. Ảnh: BVCC.

BS.CKII Lê Tố Như cùng cộng sự thực hiện hồi sức tích cực cho thai nhi. Ảnh: BVCC.

Sau hơn 2 giờ căng thẳng, với sự phối hợp nhịp nhàng của đội ngũ bác sĩ Sản khoa và Sơ sinh, ba em bé lần lượt chào đời với tiếng khóc giòn giã. Đánh giá ban đầu, các bác sĩ nhận định trường hợp sinh mổ tam thai chung bánh rau có tiên lượng tốt. Chặng đường sắp tới, các em và gia đình sẽ tiếp tục chiến đấu để có thể phát triển khỏe mạnh, bình an.

Hạnh Giang - Phượng Minh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/hoi-suc-tich-cuc-thanh-cong-ba-thai-nhi-chung-banh-rau-khac-tui-oi-post1441989.html