Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Chiều 9.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và Phó Trưởng Ban Pháp chế của VCCI Phạm Ngọc Thạch đồng chủ trì hội thảo.
Dự thảo Luật Điện lực gồm 9 chương, bao gồm 119 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực; phát triển điện; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực…
Quan tâm đến phát triển điện mặt trời mái nhà, tại hội hảo, các đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo cần có chính sách rõ ràng về năng lượng điện này, theo đó, cần phân rõ cấp độ đối với hệ thống mặt trời áp mái tự sử dụng, tự sản tự tiêu và đối tượng đầu tư sử dụng để đơn giản hóa thủ tục đăng ký thực hiện và quản lý hành chính.
Cụ thể, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà do người dân tự đầu tư trên công trình nhà ở (đất ở); hệ thống do doanh nghiệp lắp đặt trên các nhà cho mục đích kinh doanh thương mại, văn phòng và dưới quy mô 100KW nên được phân loại là công trình dân dụng quy mô nhỏ. Thực hiện bãi bỏ toàn bộ hồ sơ thủ tục cấp phép, chỉ cần đăng ký phát triển công trình với Sở Công Thương.
Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái nhà xưởng công nghiệp (đất sản xuất), hoặc lắp đặt trên các nhà cho mục đích kinh doanh thương mại, văn phòng và có quy mô lớn hơn 100kW cho tới dưới 1MW (tương đương 1.250kWp) được phân loại là công trình quy mô vừa thì cần có cơ chế quản lý.
Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô trên 1MW (1.250kWp) trở lên cần quy định về cấp phép cải tạo xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và giấy phép hoạt động điện lực. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư nội địa tham gia trong lĩnh vực này.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu rõ, hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến về hợp đồng kinh doanh điện, việc phát triển điện lực như điện hạt nhân; các chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, giá điện, thị trường điện, hợp đồng mua bán điện, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới... Các ý kiến phát biểu tại hội thảo sẽ được tiếp thu và giải trình đầy đủ với nguyên tắc vấn đề đã chín, đã rõ, đồng thuận cao sẽ được đưa vào dự thảo Luật.