HỘI THẢO HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Sáng 21/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo 'Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân lý luận và thực tiễn'.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tham gia chủ trì Hội thảo có: TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp. Tham dự hội thảo có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện một số Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố; cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, hội thảo nằm trong khung khổ nghiên cứu Đề tài cấp bộ “Hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân”.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, cùng với việc đổi mới tổ chức hoạt dộng của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thực hiện các quy định của pháp luật, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát theo hướng lựa chọn, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của địa phương;… Đồng thời, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, qua đó ngày càng góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp vẫn chưa thực hiện được hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo Báo cáo tổng kết về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 và qua báo cáo của các địa phương thời gian qua, cho thấy: Phương thức giám sát của nhiều địa phương chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, đọc báo cáo. Hoạt động khảo sát, kiểm chứng việc thực hiện cụ thể chưa nhiều; một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ thể có liên quan đến vấn đề giám sát.

Ngoài ra, công tác giám sát có hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít; một số cuộc giám sát mang tính chuyên môn sâu; phạm vi giám sát rộng nhưng chất lượng còn hạn chế; hoạt động chất vấn ở phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân chưa được thường xuyên, cấp huyện, cấp xã còn ít tổ chức phiên giải trình;…

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong nguyên nhân khách quan có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Do đó, để bảo đảm hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng thực chất, hiệu quả, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị các chuyên gia góp ý thẳng thắn, đánh giá khách quan, toàn diện, có hệ thống nhằm tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, luận chứng các quan điểm, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, bảo đảm hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung cho ý kiến về: Thực trạng quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; Thực trạng cơ chế thực thi pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; Thực tiễn hoạt động giám sát tại một số địa phương; Kinh nghiệm quốc tế về hoạt động giám sát;…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin về nội dung Hội thảo.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80132