Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm'
Nhằm thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào 1953, sáng ngày 13/4, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm'.
Tới dự hội thảo có đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo; đồng chí Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; đồng chí Nguyễn Huy Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Đồng Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo; đồng chí Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2; đồng chí Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự. Về phía nước bạn Lào có đồng chí Sẻng-phết Hung-bun-nhuông, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; Phó Bí thư Thường trực tỉnh Xiêng khoảng (CHDCND Lào) Nó-bi-hả Tông-pao; Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào) Pút-phăn Kẹo-vông-xay.
Cách đây 70 năm, thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Đảng Lao động Việt Nam và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào.
Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và tinh thần, ý chí quyết tâm cao, Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 13-4 đến ngày 3-5-1953. Sau 3 tuần vận động tiến công, truy kích địch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.800 quân địch (1/5 tổng số quân địch ở Lào), đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội ở khu vực sông Nậm Hu và hàng trăm tên địch ở mặt trận đường 7 - Xiêng Khoảng; giải phóng 5 vị trí và bức rút 25 vị trí khác; giải phóng khoảng 40 nghìn km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Louangphabang và Phongsaly.
Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thành quả của việc hiện thực hóa phương châm đoàn kết quốc tế
Phát biểu khai mạc hội thảo đồng chí Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo cho biết: Cách đây 70 năm, thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Đảng Lao động Việt Nam và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào và giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng Thượng Lào 1953 góp phần mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng Việt Nam và Lào, củng cố khối đoàn kết thống nhất và liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương, đẩy thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng, mất quyền chủ động chiến lược.
Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thành quả của việc hiện thực hóa phương châm đoàn kết quốc tế “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của quân đội và lực lượng vũ trang cách mạng hai nước. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào thực hiện thành công một chiến dịch dài ngày và lớn nhất trên chiến trường Lào và giành thắng lợi.
Đồng chí Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo cho rằng: Chiến thắng Thượng Lào 1953 mãi là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch. Kết quả Chiến dịch Thượng Lào 1953 để lại nhiều kinh nghiệm quý về xác định hướng tiến công chiến lược, về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là vận động truy kích địch rút chạy, kinh nghiệm phối hợp giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào trong điều kiện Quân đội nhân dân Việt Nam tác chiến trên đất bạn, chiến trường xa hậu phương, công tác bảo đảm hậu cần tiếp tế khó khăn, ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau,... Những bài học, kinh nghiệm quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị vận dụng trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Đồng chí Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học hôm nay là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của hai dân tộc Việt Nam và Lào. Kết quả của cuộc Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế trong sáng và cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với phương châm “giúp nhân dân nước Bạn tức là mình tự giúp mình”; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại, truyền thống đoàn kết chân thành, hữu nghị, thủy chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; củng cố, phát triển mạnh mẽ mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc lên tầm cao mới. Đồng thời, thông qua Hội thảo, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam - Lào luôn kề vai sát cánh
Phát biểu chúc mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Huy Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên đứng thứ 3 cả nước, đường biên giới tiếp giáp hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; dân số trên 1,3 triệu người, với 12 dân tộc cùng sinh sống; tỉnh có 11 huyện, 01 thành phố.
Thời gian qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ ngành Trung ương; với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Đến năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,71%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.628 tỷ đồng, bằng 123% dự toán Trung ương giao. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững. Quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, đại sứ quán nước ngoài, đặc biệt là quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được duy trì và phát triển. Công tác xây dựng đảng và củng cố hệ thống chính trị được tăng cường.
Đồng chí Nguyễn Huy Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Đồng Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo nhấn mạnh: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung, Chiến dịch Thượng Lào 1953 nói riêng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Khu ủy Tây Bắc; Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh tính mạng và tài sản, đem hết sức mình phối hợp, giúp đỡ nhân dân nước Bạn Lào cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung; đóng góp một phần sức người, sức của, phối hợp tốt với quân và nhân dân Lào giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng, tạo nên thắng lợi chung, vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt của hai nước, hai dân tộc.
Chiến dịch Thượng Lào đã lùi xa, nhưng giá trị lịch sử về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào vẫn tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước giữ gìn, dày công vun đắp và phát triển toàn diện đến hôm nay. Trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị đó, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La luôn coi trọng và giành ưu tiên cao trong việc phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện với các tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, coi đây là một tài sản vô giá của hai dân tộc, như lời Chủ tịch Cay Xỏn Phômvihản từng nói “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Đồng chí Nguyễn Huy Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Đồng Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo cho biết thêm: Tỉnh Sơn La đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác hữu nghị toàn diện với 09 tỉnh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; hàng năm đều duy trì, tổ chức các đoàn đại biểu cấp cao, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố của tỉnh sang thăm, trao đổi kinh nghiệm, thực hiện hỗ trợ bạn xây dựng các công trình về y tế, văn hóa, giáo dục, sửa chữa, xây dựng trụ sở làm việc; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,... hỗ trợ giúp đỡ nhau trong công tác phòng chống dịch COVID-19; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhân các ngày Lễ kỷ niệm của mỗi nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, lực lượng công an, bộ đội, biên phòng hai bên luôn thực hiện tốt công tác phối hợp và trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Những kết quả ấy đã góp phần tô thắm, vun đắp và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, là nhân tố rất quan trọng để tỉnh Sơn La và các tỉnh của nước Bạn Lào giữ vững ổn định và ngày càng phát triển; đồng thời góp phần tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hai nước về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lâu đời giữa nhân dân tỉnh Sơn La và các tỉnh của nước Bạn Lào nói riêng, giữa Việt Nam và Lào nói chung.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo cho biết, vào những ngày này 70 năm trước, Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào giành thắng lợi. Chiến thắng Thượng Lào 1953 đã mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng hai nước Việt Nam, Lào; góp phần tạo nên biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thượng Lào là một địa bàn chiến lược quan trọng, được coi là hậu phương an toàn của thực dân Pháp. Sau thắng lợi trên chiến trường Tây Bắc 1952, vùng giải phóng của cách mạng Việt Nam được mở rộng tới sát Thượng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng hai nước đẩy mạnh phối hợp tiến công địch. Nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào, đầu năm 1953, tướng Xalăng - Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ, chia chiến trường Thượng Lào thành hai khu vực phòng thủ là Mê Kông và Trấn Ninh, trong đó tập trung xây dựng Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố, tương tự tập đoàn cứ điểm Nà Sản ở Tây Bắc Việt Nam, coi đó là khu vực quan trọng trong hệ thống phòng thủ nhằm ngăn chặn hoạt động phối hợp của cách mạng hai nước Việt Nam, Lào. Ngoài ra, tại Xiêng Khoảng, địch cũng tăng thêm 1 tiểu đoàn Quân đội Vương quốc Lào để phối hợp tác chiến.
Trước âm mưu và hoạt động của địch, cuối tháng 1 năm 1953, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đánh giá: Mặc dù địch đã tăng cường phòng thủ, nhưng vùng Thượng Lào vẫn là chỗ yếu và sơ hở của địch. Do ở xa, khả năng tăng viện, tiếp tế khó khăn và dễ bị chia cắt, nên tinh thần binh lính Phái hữu Lào yếu kém, khả năng chiến đấu thấp. Trong Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cho đến nay, chúng ta giúp kháng chiến Miên - Lào chưa đúng mức. Từ nay chúng ta phải cố gắng giúp hơn nữa. Ta phải nhận rõ rằng: Hai dân tộc anh em Miên - Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thật sự và hoàn toàn”. Trên cơ sở đó, Tổng Quân ủy thông qua phương hướng mở Chiến dịch Thượng Lào, phối hợp với quân và dân Lào tiến công địch ở Sầm Nưa, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, xây dựng căn cứ đứng chân cho cách mạng Lào, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện thúc đẩy cách mạng hai nước, đồng thời rèn luyện cho bộ đội cách đánh tập đoàn cứ điểm. Ngày 03 tháng 02 năm 1953, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào.
Do tính chất và tầm quan trọng của chiến dịch đối với sự nghiệp kháng chiến của hai dân tộc, Đảng, Chính phủ, Quân đội hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất quyết tâm huy động một lực lượng lớn các đơn vị tham gia. Phía Việt Nam gồm Đại đoàn 308 (3 trung đoàn), Đại đoàn 312 (2 trung đoàn), Đại đoàn 316 (1 trung đoàn) tiến công địch trên hướng chủ yếu (Sầm Nưa); Đại đoàn 304 (3 trung đoàn) tiến công địch ở hướng thứ yếu (Xiêng Khoảng) và Trung đoàn 148 tiến công địch ở hướng phối hợp (lưu vực sông Nậm Hu), cùng các đơn vị binh chủng, các đoàn quân tình nguyện Việt Nam đang hoạt động tại Thượng Lào. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào có 5 đại đội và hàng nghìn dân quân du kích các tỉnh trong địa bàn chiến dịch. Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm: Phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Chính trị; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Cung cấp. Phía Lào có Hoàng thân Xuphanuvông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào; đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; đồng chí Xỉngcapô Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, và đồng chí Thạo Ma Khảy Khămphithun, Bí thư Tỉnh ủy Sầm Nưa.
Đặc biệt, để bảo đảm hậu cần chiến dịch, Hội đồng cung cấp mặt trận được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến các liên khu, tỉnh. Hội đồng cung cấp Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Văn Trân, Tổng Thanh tra Chính phủ làm Phó Chủ tịch.
Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa Quân đội cách mạng và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào. Thắng lợi đó tạo tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của hai dân tộc vững bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Chiến thắng Thượng Lào 1953 Góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử
Tại hội thảo, gần 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo tỉnh Sơn La, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; các quân khu, binh chủng, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của Chiến thắng Thượng Lào 1953. Cùng với khẳng định tầm vóc, ý nghĩa quan trọng của chiến dịch, các tham luận cũng đi sâu phân tích nguyên nhân thắng lợi và đúc rút những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Đó là các bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch; về công tác bảo đảm, huy động hậu cần nhân dân, về bước phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch; phát huy sức mạnh chính trị tinh thần; củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Những bài học từ Chiến thắng Thượng Lào 1953 không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, góp phần vận dụng hiệu quả vào hoạt động xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Kết quả Hội thảo tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Thượng Lào 1953; đồng thời, góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ Chiến thắng Thượng Lào; góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; nâng cao niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận các thành tựu cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Kết luận bế mạc hội thảo, đồng chí Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo khẳng định: Sự thành công của Hội thảo được thể hiện rõ trong Báo cáo Tổng thuật tham luận đã được trình bày tại Hội thảo. Đồng chí Lê Huy Vịnh bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các đồng chí cựu chiến binh và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào đã có nhiều công lao đóng góp, hy sinh cho Tổ quốc, cho Nhân dân và Quân đội, cho mối quan hệ đoàn kết gắn bó đặc biệt Việt Nam - Lào; cảm ơn các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử đã tham gia trực tiếp Chiến dịch Thượng Lào 1953, góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của chiến dịch nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung. Đồng chí xin được nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:
Một là, hội thảo tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp là Bộ Chỉ huy chiến dịch và chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch. Đó là nhân tố tiên quyết để quân và dân hai nước Việt Nam, Lào vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm tốt công tác chuẩn bị, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời nắm bắt tình hình chiến trường, làm nên Chiến thắng Thượng Lào 1953.
Hai là, thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 thể hiện tình đoàn kết chiến đấu gắn bó giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào; mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng hai nước, buộc lực lượng cơ động của Pháp trên chiến trường Bắc Đông Dương phải bị động đối phó, làm phá sản kế hoạch giành lại quyền chủ động chiến lược của Pháp. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ Chiến thắng Thượng Lào 1953 vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào hiện nay.
Ba là, với quan điểm khách quan, khoa học, các tham luận đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về Chiến thắng Thượng Lào 1953; có những nhìn nhận, phân tích đánh giá, tôn vinh giá trị của thắng lợi lịch sử này. Sau Hội thảo, rất mong các đồng chí tiếp tục sưu tầm, cung cấp nhiều tư liệu, sự kiện liên quan tới Chiến thắng Thượng Lào 1953 để các cơ quan nghiên cứu, bổ sung vào các công trình khoa học lịch sử, làm phong phú thêm về một sự kiện lịch sử quan trọng này. Đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội cần tích cực khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu vào quá trình giáo dục - đào tạo, thực tiễn huấn luyện, học tập và xây dựng cơ quan, đơn vị mình; các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương, Quân đội và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin rộng rãi cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cả nước, kể cả quân và dân nước bạn Lào, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ về tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Thượng Lào 1953. Qua đó, góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về giá trị lịch sử của Chiến thắng Thượng Lào 1953./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: