Hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Sáng 1-8, tại Hà Nội, Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu, bao gồm: Đại diện của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô. Và sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn TP Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội khẳng định, các tham luận khoa học và các ý kiến phát biểu tại hội thảo là căn cứ khoa học quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện Luật Thủ đô, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đưa Hà Nội phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại có chất lượng cuộc sống cao ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Hội thảo đã nhận được 74 tham luận và lựa chọn 11 tham luận trên 9 nhóm chính sách lớn trình bày trực tiếp tại Hội thảo, chia thành 2 phiên thảo luận chính, trong đó, phiên 1 gồm 7 tham luận và phiên 2 gồm 4 tham luận.
Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012: Sau 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô 2012 đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, về cơ bản Luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện nay; tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.
Về cơ bản, các ý kiến tham luận, phát biểu đánh giá Dự thảo có bố cục, kết cấu hợp lý, và tán thành với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo, như “luật hóa” việc không tổ chức Hội đồng nhân dân phường, quy định về thành phố thuộc thành phố, cơ chế đặc thù thu hút nhân tài và những đặc thù về nguồn tài chính, về các chính sách hỗ trợ đối với các lĩnh vực quản lý đô thị, xây dựng và nhà ở, phát triển nông nghiệp nông thôn… Bên cạnh đó, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, trăn trở về tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành; về yêu cầu tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại của bộ máy chính quyền Thủ đô; về sự vượt trội, đột phá trong các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô trong công tác tổ chức cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng, phát triển, quản lý thủ đô, tài chính ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư và phát triển Thủ đô.
Các ý kiến tham luận, góp ý của đội ngũ các nhà khoa học tại Hội thảo sẽ được TP Hà Nội, Ban soạn thảo, các cơ quan có chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tin, ảnh: THANH HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.