Hội thảo khoa học 'Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới'
Tiếp nối các hoạt động nhân kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh, sáng 23/3, tại Khách sạn Hoàng Sơn (thành phố Ninh Bình), UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới'.
Dự Hội thảo có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; Mai Văn Tuất, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo.
Cùng dự có các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Hội Di sản văn hóa Ninh Bình.... và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu chào mừng và báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức và PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử cách đây 30 nghìn năm mà dấu tích còn lưu lại ở các di chỉ Hang Trống-Tràng An, Thung Lang-Tam Điệp, Động Người xưa-Cúc Phương....
Vùng đất lịch sử Ninh Bình đã qua nhiều tên gọi. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình. Danh xưng Ninh Bình có từ đây, với ý nghĩa là một vùng đất vững chãi, bình yên.
Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. 30 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo phát huy các tiềm năng lợi thế, phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, đưa Ninh Bình vững bước phát triển đột phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có nhiều thành quả trong phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội...
Đại biểu tham luận tại Hội thảo.
Tham gia Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 52 bài tham luận, nghiên cứu về Ninh Bình ở nhiều góc độ, nhiều lĩnh vực của các nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan nghiên cứu; một số trường đại học; các nhà quản lý văn hóa, du lịch... của Trung ương và địa phương.
Trong đó, tại Hội thảo, có 11 bài báo cáo, tham luận trực tiếp, về các nội dung: Vị trí di tích mán bạc trong giai đoạn tiền sơ sử Việt Nam; Thân thế, sự nghiệp Đinh Bộ Lĩnh và sự thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt; Lược khảo đất Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử; Quá trình hình thành và phát triển tổ chức cộng sản đầu tiên trên vùng đất Ninh Bình; Phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tạo thế và lực cho du lịch Ninh Bình...
Đại biểu tham luận tại Hội thảo.
Phát biểu, thảo luận tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý, giảng viên giảng dạy bộ môn văn hóa, di sản, khảo cổ học, du lịch... đã thẳng thắn trao đổi, đóng góp, nêu ý kiến, quan điểm nhằm làm rõ hơn về mảnh đất, con người và những đóng góp của Ninh Bình trong tiến trình lịch sử phát triển của đất nước. Qua đó khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, di sản, những giá trị vật chất và tinh thần cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển để vùng đất Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đại biểu tham luận tại Hội thảo.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý Trung ương và địa phương đã làm việc bằng tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết, để Hội thảo hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.
Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo.
Các ý kiến tham luận tập trung nghiên cứu, đánh giá toàn diện và sâu sắc, làm rõ các vấn đề quan trọng, những thành tựu của tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử, chặng đường 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng ghi nhận, các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao, đáp ứng mục tiêu yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn, nhấn mạnh vào nội dung cốt lõi nhằm đi đến nhận thức sâu sắc cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Ninh Bình trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đặc biệt là thành tựu đổi mới, phát triển trong 30 năm qua. Những ý kiến đó có ý nghĩa quan trọng đối với Ninh Bình, là cơ sở để tỉnh tiếp tục phát huy những nguồn lực vốn có, tạo động lực phát triển trong tương lai.
Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm cần quan tâm thực hiện. Đó là: Tiếp thu, tổng hợp, biên tập các bài tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo làm tài liệu khoa học và nguồn tư liệu để các cơ quan nghiên cứu và quản lý thêm cơ sở tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư nói riêng. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng và phát triển quê hương Ninh Bình giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Qua Hội thảo, với sự tham gia và đồng hành của các chuyên gia, các nhà khoa học Trung ương và địa phương, là cơ hội để Ninh Bình được nghe các ý kiến khách quan, đa chiều về lịch sử, văn hóa vùng đất cũng như quá trình thực hiện công cuộc đổi mới phát triển toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.
Từ đó có thêm cơ sở khoa học cho tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh nhanh và bền vững, xứng đáng với tên gọi, tiềm năng, vị thế của vùng đất Cố đô văn hiến.
Xem trên Youtube