Hội thảo khoa học 'Thực hiện trách nhiệm xã hội của các DN và HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La'

Trong khuôn khổ Đề tài 'Phân tích trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp và HTX nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện Hiệp định EVFTA' do Viện Friedrich Naumann Stiftung Fir Dir Freiheie (FNF Việt Nam) tài trợ, ngày 3/12, Viện Nghiên cứu châu Âu, thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và FNF của Cộng hòa liên bang Đức đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học 'Thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La'. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo một số sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh và một số doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo “Thực hiện trách nhiệm xã hội của các DN và HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Hội thảo “Thực hiện trách nhiệm xã hội của các DN và HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Trách nhiệm xã hội (CSR) được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng… theo cách có lợi cho doanh nghiệp, cũng như phát triển chung của xã hội.

Với mục tiêu tăng cường thực hiện CSR trong các DN/HTX nông nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng vào Sơn La; hoàn thiện các tiêu chí đánh giá CSR và khuyến nghị chính sách thúc đẩy, giám sát thực hiện CSR của các DN/HTX. Hiện, toàn tỉnh có trên 200 DN và gần 700 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Xuất phát từ đặc điểm và lợi thế của Sơn La, năm 2020, nhóm nghiên cứu Đề tài đã thực hiện khảo sát tại 50 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Mộc Châu và Mai Sơn. Kết quả cho thấy, nhận thức về CSR của phần lớn doanh nghiệp, HTX còn hạn chế; chỉ có 33% DN/HTX đã xây dựng chiến lược, 67% không xây dựng chiến lược, 44% không có định hướng, 23% có định hướng nhưng chưa thực hiện.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật của Việt Nam, tiêu chí quốc tế và dựa vào những nghiên cứu, kinh nghiệm thực tế, nhóm nghiên cứu Đề tài đã xây dựng bộ tiêu chí. Gồm: Nhóm tiêu chí về kết quả kinh doanh, nhóm tiêu chí về quản trị DN/HTX, nhóm tiêu chí về chất lượng và an toàn thực phẩm; tiêu chí về đảm bảo môi trường bền vững trong sản xuất và tiêu chí về hoạt động từ thiện.

Lãnh đạo Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung tham luận tại Hội thảo.

Lãnh đạo Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, lãnh đạo FNF Việt Nam cho rằng, các tiêu chí của Đề tài đưa ra xuất phát từ đặc điểm, lợi thế của Sơn La; phù hợp với mục tiêu phát triển nhanh, xanh và bền vững của tỉnh trong những năm tới. Đồng thời, sẽ giúp các DN/HTX áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín, năng lực quản trị, xây dựng chiến lược phát triển bền vững; đồng thời, giúp địa phương hoạch định các chính sách phát triển.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề nghị cần bổ sung làm rõ khái niệm trách nhiệm xã hội; các tiêu chí về nhận thức, ý thức sản xuất, sản phẩm chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU; ý thức về bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội và người tiêu dùng, chấp hành pháp luật về lao động… Nhóm nghiên cứu Đề tài đã tiếp thu, nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các tiêu chí.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoi-thao-khoa-hoc-thuc-hien-trach-nhiem-xa-hoi-cua-cac-dn-va-htx-nong-nghiep-tren-dia-ban-tinh-son-la-45768