Hội thảo khoa học 'Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai'
Sáng ngày 07/11/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai', đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 30 năm Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua (20/11/1989-20/11/2019). Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh…
Đề dẫn Hội thảo khẳng định: Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Bác Hồ luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề về quyền trẻ em.
Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được cấp BHYT miễn phí; 95% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ phổ cập mầm non 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở đạt tỷ lệ 100%; 97% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội; 100% trẻ em lao động trái quy định pháp luật khi có thông báo, phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời…
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tham luận, phát biểu xoay quanh các vấn đề như: tâm lý trẻ em và kỹ năng lắng nghe trẻ em; thực hiện Luật Trẻ em và chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; mục tiêu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe trẻ em; mô hình “trường học an toàn”; mục tiêu về văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật…
Thạc sĩ Lâm Hoàng Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý và giáo dục Lâm Đồng cho rằng: “ngày nay, không ít trường hợp cha mẹ áp đặt ý kiến chủ quan trong việc giáo dục con em mình, cho nên có tình trạng các em cô đơn trong chính gia đình của mình. Gia đình, nhà trường cần lắng nghe, thể hiện sự tôn trọng các em, cần phải làm gương… thì việc giáo dục các em mới có tác dụng”.
“Xây dựng Trường học an toàn là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của nhà trường. Bởi nhà trường là nơi giáo dục, đào tạo toàn diện thế hệ trẻ… công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học là trách nhiệm của toàn xã hội, của những người làm giáo dục, nhất là những nhà quản lý các cơ sở giáo dục” (Thạc sĩ Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh)…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Phan Văn Đa, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo và đề nghị, các cấp ủy đảng, các địa phương, đơn vị, thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung: Tiếp tục quán triệt Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch 59-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp. Đề cao vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường; thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em nhằm hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh về kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Triển khai phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; chung tay giải quyết những vấn đề nóng về trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tai nạn thương tích, đuối nước; các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em…
HỒNG VĨNH