Hội thảo khoa học về vai trò của Chính phủ CM lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Sáng nay (6/6), tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ 'Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước'.
Hội thảo được được tổ chức quy mô cấp Bộ, kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (6/6/1973 - 6/6/2023) và kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973 - 9/2023).
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận của các nhân chứng lịch sử và các nhà khoa học. Các tham luận tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Khẳng định tính tất yếu về sự ra đời và những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Làm rõ những dấu ấn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị; Làm rõ những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đối với những hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Phát huy truyền thống cách mạng và giá trị Khu du tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xây dựng Quảng Trị văn minh, giàu đẹp.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đáp ứng yêu cầu về công tác đối nội và đối ngoại, khẳng định vị trí, vai trò của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chứng tỏ thế và lực ngày càng to lớn của cách mạng miền Nam. Trong thời gian Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hoạt động tại Quảng Trị, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đã trực tiếp bảo đảm an ninh, an toàn cho Chính phủ. Lực lượng vũ trang tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng và bảo vệ vùng giải phóng, anh dũng chiến đấu chống chính quyền và quân đội Sài Gòn lấn chiếm.
“Khu di tích Trụ sở làm việc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước như nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã khẳng định: “Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử, nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại”-Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nêu rõ: Với chủ trương dựa vào pháp lý của Hiệp định Paris để đấu tranh lập lại và giữ vững hòa bình, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam ra lệnh cho các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích thực hiện ngừng bắn: “Luôn luôn nêu cao ý chí chiến đấu và tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết cùng toàn dân đấu tranh giữ vững hòa bình, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tỉnh táo đề phòng và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu hành động khiêu khích, phá hoại Hiệp định, phá hoại hòa bình, gây lại chiến tranh của kẻ địch”.
“Với tư cách là thực thể chính trị độc lập, đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, ngay từ khi ra đời, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tích cực chỉ đạo, điều hành quân và dân miền Nam tiến hành các hoạt động đấu tranh quân sự trong suốt những năm tháng quyết định của cuộc chiến tranh giải phóng”- Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh.
Vị trí địa lý và sự vận động thực tiễn của lịch sử đã đưa Quảng Trị trở thành vùng đất có vai trò trọng yếu về chính trị, quân sự trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nơi đây một thời được xem là “chiến địa”, “trấn biên”, phên dậu”, trong đó lịch sử đã ghi dấu thời khắc là nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ 1973-1975. Tại đây ngày 6/6/1973, Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã làm lễ ra mắt Nhân dân trong buổi mít tinh trọng thể. Đại biểu của 19 nước anh em, bạn bè khắp năm châu đã tới dự, đặt chân lên vùng đất vẫn còn vương mùi đạn pháo để chia vui cùng chúng ta, đại sứ của các nước đã trình Quốc thư và nơi đây cũng vinh dự được đón tiếp nhiều vị lãnh tụ các nước đến thăm và làm việc.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị bày tỏ mong muốn, thông qua hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về bằng chứng lịch sử, vai trò của Chính phủ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng với Nhân dân cả nước đã phát huy truyền thống anh hùng, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đã lãnh đạo nhân dân miền Nam cùng với Nhân dân cả nước tiến tới Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới Tổng tuyển cử- thống nhất đất nước”- Ông Nguyễn Đăng Quang nói./.