Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Sáng 10.3, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), do Ủy ban Kinh tế và Bộ Xây dựng tổ chức.
Cùng tham dự có: Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội... Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, luật sư, đại diện một số Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, nghiên cứu các nội dung dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật này bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến bước đầu về dự án Luật.
Đây là dự án Luật quan trọng, cùng với các luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… trực tiếp thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đối với nhiệm vụ, giải pháp về: “Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển và vận hành thông suốt thị trường bất động sản”.
Hội thảo là dịp để cơ quan soạn thảo và chủ trì thẩm tra lắng nghe các đối tượng chịu sự tác động, các hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản trao đổi cởi mở, mang tính xây dựng, nêu những vấn đề thực tế trong hoạt động kinh doanh bất động sản đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật và góp ý trực tiếp về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), giúp Thường trực Ủy ban Kinh tế có thêm sở cứ thực tế, phục vụ quá trình nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật.
Dự án Luật kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được ban soạn thảo của Bộ Xây dựng thể chế hóa 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua trong 11 Chương với 93 Điều. Trong đó, bao gồm những quy định chung như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc kinh doanh bất động sản; áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan; các loại bất động sản đưa vào kinh doanh; chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản...
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản và cho rằng, dự án Luật này khi sửa đổi sẽ có những tác động rộng rãi đến đời sống xã hội, liên quan đến nhiều Luật khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật nhà ở…
Các góp ý chủ yếu tập trung vào các nội dung như các hành vi bị cấm trong kinh doanh bất động sản phải bổ sung cấm hành nghề môi giới bất động sản khi chưa có chứng chỉ, cấm đăng tải thông tin mua bán bất động sản không chính xác, cấm mua bán dùng tiền mặt.
Hầu hết các ý kiến đồng tình việc thực hiện mua bán kinh doanh bất động sản phải qua sàn giao dịch để minh bạch và tránh thất thu thuế của nhà nước. Một số ý kiến cho rằng dự thảo lần thứ 5 đã có những sửa đổi, tiếp thu tốt những ý kiến đóng góp trước đó và cần bổ sung thêm những quy định rõ để giám sát dòng tín dụng cấp từ các ngân hàng khi bảo lãnh cho các dự án, tránh dòng tiền cho vay bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp khu vực phía Nam để hoàn thiện dự thảo luật theo hướng: thể chế hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; quy định rõ hơn các chế tài, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam; điều tiết được hoạt động của các chủ thể liên quan đến kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hợp lý, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân; hài hòa lợi ích nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn trong thời gian tới, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có ý kiến đóng góp để ban soạn thảo sớm hoàn thiện dự án luật theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết, đi vào nội dung trực tiếp của dự thảo Luật, xuất phát từ thực tiễn của khu vực TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, nội dung dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng gắn liền với nội dung dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng dự kiến trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6 cuối năm nay nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất cả về nội dung và hiệu lực thi hành. Trong đó, việc thống nhất quan điểm chính sách từ cả góc độ quản lý đất đai, nhà ở và góc độ quản lý, phát triển thị trường bất động sản để cụ thể hóa thành các quy định tại các dự án Luật là nhiệm vụ được đặt ra đối với các cơ quan Chính phủ và Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Ủy ban Kinh tế và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đang phối hợp với Bộ TN&MT tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH và Nhân dân tham gia ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong quá trình đó, Ủy ban Kinh tế nhận được nhiều ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Vì vậy, việc khởi động sớm công tác chuẩn bị thẩm tra dự án Luật là rất cần thiết.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về cơ bản giải quyết được nhiều nội dung đặt ra trong thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung cần quan tâm và nghiên cứu thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, đại diện cơ quan ban ngành đã tham dự hội thảo. Các ý kiến thiết thực sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện để dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22 (tháng 4.2022) và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5.2023).