HỘI THẢO 'NÂNG TẦM NÔNG - THỦY SẢN VIỆT': Xóa 'giải cứu' nông sản, cách nào?
Để giải quyết căn cơ tình trạng giải cứu nông sản, cần nhiều giải pháp đồng bộ với tầm nhìn dài hạn
Chiều 27-4, tại TP Cần Thơ, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động khu vực ĐBSCL (1.5.1998 - 1.5.2023). Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt".
Liên kết lỏng lẻo
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo dựa vào 3 vùng sinh thái mặn, lợ và ngọt. Trong đó, vùng ngọt trồng lúa, vùng mặn nuôi tôm, vùng lợ kết hợp nuôi trồng lúa tôm. Vùng lúa tôm tuy năng suất không cao nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao khi giá bán cao hơn sản phẩm thông thường từ 30%-50%.
Dù vậy, ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương này đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề môi trường, cơ sở hạ tầng, chi phí đầu vào tăng mạnh, hạn chế trong xây dựng và phát triển thương hiệu... "Chúng tôi đang đẩy nhanh xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Tôm sạch Bạc Liêu" và tăng cường hướng dẫn đăng ký cấp mã số ao nuôi. Bên cạnh đó, khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng là cơ hội để chuẩn hóa ngành hàng thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh và bảo đảm an toàn thực phẩm" - ông Lê Tấn Cận cho hay.
Với tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhìn nhận dù sản xuất, tiêu thụ nông - thủy sản tại địa phương thời gian qua đã có sự phát triển nhưng thực tế vẫn đối mặt với điệp khúc "được mùa mất giá, mất mùa được giá". Nguyên nhân do thiếu liên kết trong chuỗi sản phẩm, trong khâu nuôi trồng với vùng nguyên liệu. Để khắc phục tình trạng này, ông Lê Văn Sử cho rằng cần liên kết nông dân với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu lớn, đồng nhất. "Gần đây, có những mô hình HTX thành công khi có sự tham gia của doanh nghiệp (DN) ở vai trò đầu tàu dẫn dắt. Hoặc hướng đi khác là DN đầu tư trực tiếp vào sản xuất bằng cách tích tụ ruộng đất, khắc phục điểm yếu cố hữu trong chuỗi liên kết. Tuy vậy, chúng tôi vẫn ưu tiên liên kết nông dân với nhau để họ có công ăn việc làm tại chỗ thay vì phải tạo sinh kế mới" - ông Lê Văn Sử phân tích.
Về phía nhà bán lẻ, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng Phòng Thu mua MM Mega Market, nêu thực tế nhiều nông dân chưa sẵn sàng tham gia làm nhà cung cấp cho siêu thị. Ông Hùng dẫn chứng siêu thị cần mua tôm, nhãn nhưng nông dân cho biết họ không giao hàng được và yêu cầu MM Mega Market đến tận ao, vườn để mua. "Chúng tôi mong muốn hợp tác với các tỉnh, thành ĐBSCL nhằm kết nối thêm nhà cung cấp, mở thêm trạm trung chuyển, điểm bán để không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu" - ông Hùng nói.
Tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ
Kể câu chuyện kinh nghiệm của DN, bà Hồ Thị Tuyết Vân, Giám đốc Khối thương mại - Công ty CP Nông sản Lộc Trời (thành viên Tập đoàn Lộc Trời), cho hay trong gần 3 thập kỷ gắn bó với nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời đang dần hoàn thiện hệ sinh thái chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Công ty đã chủ động mở rộng kênh đối tác, ký kết các đơn hàng đặt trước từ 4 tháng đến 1 năm. Chỉ riêng thương hiệu gạo Cơm Việt Nam Rice của DN này đã chính thức lên kệ siêu thị tại Pháp vào năm 2022, sau đó mở rộng vào một số thị trường lớn khác như Đức, Hà Lan trong năm 2023. "Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ về chủ trương, chính sách và kết nối của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong sản xuất cũng như tìm kiếm, kết nối với đối tác trong nước và quốc tế" - bà Vân bày tỏ.
Bên lề hội thảo, góp ý giải pháp giải quyết căn cơ tình trạng "giải cứu" nông sản, ông Phạm Minh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Đại diện Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại miền Nam - cho rằng đầu tiên là phải thay đổi tư duy của nông dân. Cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản.
Ông Hùng cho biết ngoài tuyên truyền cho nông dân hiểu sâu về kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường, Hội Nông dân Việt Nam còn đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao kiến thức, kỹ năng liên kết với DN và làm đầu mối liên kết nông dân với DN trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. "Hiện có 5 triệu nông dân có tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi đang đẩy mạnh giúp nông dân tiêu thụ nông sản qua kênh mới này" - ông Hùng thông tin.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, chúng ta đã nhìn ra vấn đề "được mùa mất giá, mất mùa được giá" và đã có giải pháp cụ thể để khắc phục nhưng thực hiện vẫn còn chậm. Cần tổ chức lại chuỗi sản xuất từ góc nhìn đầu ra thay vì đầu vào như trước đây, cụ thể là căn cứ vào nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn thị trường để tổ chức toàn bộ hệ thống chuỗi nông sản.
Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc khu vực miền Tây 2 - Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), thông tin Saigon Co.op đang thu mua hàng hóa của gần 230 nhà cung cấp tại khu vực ĐBSCL, chiếm 20% tổng số nhà cung cấp của đơn vị. Trong kế hoạch phát triển sắp tới, Saigon Co.op sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, trong đó riêng khu vực ĐBSCL sẽ phát triển 200 điểm bán mới, đa dạng quy mô, phù hợp với đặc thù từng khu vực. Chính vì thế, Saigon Co.op có nhu cầu nguồn hàng hóa rất lớn.
Vai trò của truyền thông trong kết nối, hỗ trợ nông dân
Phát biểu tại hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt", nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh trong mấy năm qua, nhiều lĩnh vực nông nghiệp đã có sự thay đổi nhất định. Điều này có được là nhờ sự cố gắng rất lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà khoa học, nhà nông. Với 2 chủ đề "Xóa giải cứu nông sản" và "Nâng tầm thủy sản", hội thảo là dịp để nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông gặp gỡ, trao đổi để cùng tìm ra giải pháp. "Chúng tôi mong rằng hội thảo sẽ là bước đi đầu tiên nhằm từng bước giải quyết được vấn đề "giải cứu" và nâng cao vị thế, giá trị cho nông sản Việt Nam" - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nói.
Theo ông Tô Đình Tuân, các ý kiến phát biểu đã chỉ ra rất nhiều giải pháp căn cơ, thiết thực để phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Trong đó, truyền thông có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền nhằm tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân. "Nhận thức rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí, thời gian qua Báo Người Lao Động đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về lĩnh vực nông nghiệp để chung tay tháo gỡ khó khăn cho nông dân, với mục đích nâng cao đời sống nông dân và tạo ra giá trị lớn hơn cho nông sản Việt Nam, từ đó mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước" - ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động dẫn chứng cách đây gần 2 tháng, Báo Người Lao Động đã tổ chức hội thảo "Nâng cao giá trị cà phê Việt" dưới sự chủ trì của ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều DN dự hội thảo cho biết hội thảo đem đến nhiều ý tưởng mới để DN đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh cà phê. Bởi vì, giá trị của cà phê Việt trên thị trường thế giới hiện nay còn khá thấp, nếu tập trung làm tốt hơn nữa thì Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD, gấp đôi so với hiện nay.
Cảm ơn nhà tài trợ:
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Trường Đại học Văn Hiến.
Công ty CP Thương mại Khải Hoàn.
Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.
Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC.