Hội thảo 'Nhìn lại 50 năm văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước'

Ngày 9/4, tại Thư viện Quân đội (Hà Nội), Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước'.

Hội thảo thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lý luận và quản lý.

Hội thảo thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lý luận và quản lý.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), hội thảo khoa học được Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức nhằm góp phần nhìn nhận lại chặng đường văn học đã đồng hành cùng cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đồng thời đánh giá thành tựu, tìm tòi, sáng tạo của các tác phẩm văn học trong giai đoạn này.

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Bình Phương phát biểu khai mạc hội thảo.

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Bình Phương phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhấn mạnh: Phạm vi chủ đề hội thảo khá rộng, đó là sự nhìn nhận về văn học trong suốt dọc dài của một cuộc chiến tranh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất của người Việt và văn học đã tham gia tích cực, ở nhiều giai đoạn là vũ khí vô cùng quan trọng.

Những tác phẩm kịp thời ra đời để động viên, khích lệ, gia cố lòng quả cảm. Trong đời sống hòa bình, văn học tiếp tục khắc họa vẻ đẹp của đời sống, tâm hồn con người Việt; "khâu vá", xoa dịu phần nào vết thương chiến tranh; đồng thời góp phần giáo dục giá trị truyền thống cho thế hệ tương lai.

Từ hiện thực được chưng cất qua văn học, chúng ta có cơ hội nhìn nhận về những tình thế và cách ứng xử trong mọi tình thế của người Việt với tinh thần: Người Việt chấp nhận hy sinh, đổ máu và chịu đựng. Như vậy để càng thấy rõ hơn khát vọng thống nhất, hòa bình quan trọng ra sao. Đây là ý nghĩa sâu xa nhất mà hội thảo có được. Đề tài về kháng chiến chống Mỹ vẫn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua những cách đào sâu, phát hiện mới.

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Trong đề dẫn hội thảo, Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, khẳng định: Là một "binh chủng" đặc biệt, văn học đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mỹ. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng, vừa cầm bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống với tư thế một anh hùng.

Văn học góp phần khích lệ, cổ vũ cả nước ta đoàn kết thành một khối "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai" (Tố Hữu).

Đoàn Chủ tịch hội thảo khoa học.

Đoàn Chủ tịch hội thảo khoa học.

Không khí hừng hực "lên đường" ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lý tưởng cách mạng, với "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi, "Hòn Đất" của Anh Đức, "Gia đình má Bảy" của Phan Tứ, "Dấu chân người lính" của Nguyễn Minh Châu, "Bài ca chim chơ-rao" của Thu Bồn, "Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm, "Vầng trăng quầng lửa" của Phạm Tiến Duật...

Văn học đã xây dựng những nhân vật như những vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng.

Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa trình bày báo cáo đề dẫn.

Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa trình bày báo cáo đề dẫn.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, diễn ra trong suốt 20 năm, là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một trong những cuộc chiến có số thương vong lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Sự dai dẳng và khốc liệt của cuộc chiến này càng dễ nhận khi chúng ta đặt nó bên cạnh những đại chiến của thế kỷ 20, như Thế chiến thứ nhất (1914-1918), Thế chiến thứ hai (1939-1945) trong đó có cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 4 năm của nhân dân Xô-Viết. Như một quy luật tất yếu, cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đòi hỏi không ngừng được văn học nghệ thuật khai thác, đòi hỏi phải có những tác phẩm xứng tầm.

Con người yêu nước là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Một quá khứ đau thương nhưng cao cả, hào hùng phải luôn được làm sống lại trong mỗi con tim người Việt hôm nay và mai sau. Đó cũng là lý do có hội thảo này.

Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa

Hội thảo nhận được 50 tham luận đóng góp với nội dung tập trung vào ba cụm chủ đề. Một là, khẳng định thành tựu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay trong lòng cuộc chiến.

Đó là giai đoạn văn học được viết theo khuynh hướng sử thi, nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Hai là, ghi nhận những cách tân, tìm tòi, sáng tạo của mảng văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ từ ngày thống nhất đất nước đến nay; tổng kết những bài học kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất, gợi ý cho văn học tiếp tục viết về chiến tranh trong thời gian tới. Ba là, đánh giá, khẳng định những tác giả, tác phẩm nổi bật, tiêu biểu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ trong cả hai giai đoạn trước và sau 1975.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng trình bày ý kiến tại hội thảo.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng trình bày ý kiến tại hội thảo.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng nhận định trong tham luận: Từ sau năm 1975, đặc biệt từ những năm 1980 đến nay, văn học Việt Nam viết về chiến tranh đang ở giai đoạn thứ hai với sự lộ diện dần những đặc điểm mới, trong sự tìm kiếm vất vả và quyết liệt của tư duy sáng tạo.

Theo ông, văn học viết về chiến tranh ngay trong khi chiến tranh đang diễn ra đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Vì thế ở giai đoạn hai, văn học trở về với quá khứ chiến tranh tự đặt cho mình một nhiệm vụ: tiếp tục khám phá và cả khám phá lại để phát hiện những vấn đề còn ẩn sâu trong chính quá khứ chiến tranh đó. Khi chiến tranh đã lùi xa, mọi sự kể tả giản đơn, chỉ miêu tả lại các sự kiện, biến cố chiến tranh, hành động của con người theo dạng dựng lại hay minh họa lịch sử đều chưa thỏa mãn người viết và cả người tiếp nhận.

Số phận, đường đời, đặc trưng tính cách con người trong chiến tranh còn vô vàn những điều chưa biết, còn nhiều ẩn số có thể và cần thiết phải lý giải. Có nghĩa là, từ giai đoạn hai này, văn học đề tài chiến tranh không thể chỉ dừng lại ở việc tái dựng lịch sử chiến tranh như ta đã từng biết, mà phải khám phá sâu thêm, mới thêm trong quá khứ đó cái ta chưa từng biết. - Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng

"Mặc dầu trải qua không ít khó khăn, nhiều nhà văn - cả trưởng thành trong chiến tranh và cả lớp trẻ - đã bứt lên, tự đổi mới chính mình, đặc biệt là lớp nhà văn hình thành vào cuối thời kỳ chống Mỹ, đã cho ra đời những tác phẩm thực sự có cách nhìn mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng tiếp nhận, qua đó, minh chứng cho một quy luật không thể né tránh của mảng văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh", Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng khẳng định.

Ông cũng bày tỏ niềm tin tưởng trước sự xuất hiện của một đội ngũ cây bút trẻ nhiều triển vọng để nối tiếp niềm tin mảng đề tài chiến tranh vẫn và sẽ còn hấp dẫn và được nối dài hơn nữa theo thời gian.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử trình bày tham luận về "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử trình bày tham luận về "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh.

Trong tham luận về tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh) đã ra đời và nổi tiếng khắp thế giới, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử, nhận định: Tác phẩm mang một chủ đề kép, không chỉ nêu một cách nhìn khác về chiến tranh, mà còn đề xuất một cách viết khác về đề tài chiến tranh, đề xuất một đổi thay về phương pháp sáng tác.

Đây còn là một tiểu thuyết xuất sắc về ngôn ngữ văn học. Toàn bộ tác phẩm không phải lời kể chuyện thông thường, mà là lời độc thoại của nhân vật do người kể chuyện mượn để làm điểm tựa, lời của nhân vật Kiên. Vì thế đọc tiểu thuyết như là đọc lời bộc bạch, trữ tình, tâm sự của một tâm hồn.

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sách của Thư viện Quân đội.

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sách của Thư viện Quân đội.

Đại tá, nhà thơ Trần Anh Thái cho rằng: Muốn văn học viết về chiến tranh tiếp tục có được những tác phẩm xứng tầm với cuộc kháng chiến chống Mỹ là vấn đề lớn.

Theo đó, các nhà văn khi viết về chiến tranh không phải họ "bê nguyên si" hiện thực đồ sộ của các sự kiện vào tác phẩm, mà chỉ dựa trên nền tảng của các sự kiện để khai thác triệt để mọi góc cạnh trong những tầng sâu nhân tính và thân phận con người… Những tác phẩm văn học lớn của Việt Nam và thế giới là những tác phẩm như vậy.

Từ quan niệm đó, theo ông để có được những tác phẩm có giá trị lớn viết về chiến tranh và người lính, các nhà văn không có cách nào khác là viết với tư cách là một nghệ sĩ; phải sáng tạo ra những giọng điệu riêng biệt trong cả ngôn ngữ, hình ảnh và cấu trúc.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp trong tham luận về thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhấn mạnh: Tầm vóc của một thời đại thơ ca phải kết lại trong những tác phẩm xuất sắc mà các nhà thơ để lại cho đời. Từ điểm nhìn hôm nay có thể nhận thấy thơ thời kỳ chống Mỹ không những đã tượng hình vẻ đẹp của đất nước, nhân dân một cách chân thực, hào hùng mà còn để lại nhiều kinh nghiệm nghệ thuật đáng quý, kể cả mặt thành công và hạn chế. Trong các vấn đề được nêu ra, ông cho rằng, bất kỳ sự cách tân nào cũng phải xuất phát từ sự chân thực trong cảm xúc và sự mạnh bạo trong quan niệm nghệ thuật.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu trong và ngoài quân đội.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu trong và ngoài quân đội.

Thơ ca giai đoạn này có khả năng lay thức nhiều người đọc vì các nhà thơ đã dám sống đến cùng với số phận của đất nước và nhân dân trong tinh thần dám sống đến "tận đáy" với chính mình và với dân tộc.

Đó vẫn là yêu cầu sống còn đối với người cầm bút ở bất cứ thời đoạn lịch sử nào. Theo ông, đây cũng chính là kinh nghiệm nghệ thuật lớn nhất mà thơ ca giai đoạn này đã để lại cho các giai đoạn kế tiếp.

Trong khuôn khổ một diễn đàn khoa học, hội thảo đã mở ra đa dạng những ý kiến về hướng viết, hướng nghiên cứu; đa chiều những tranh luận phù hợp với đường lối văn hóa của Đảng và xu hướng đối thoại của thế giới hôm nay.

Hội thảo cũng đã đưa ra những đề xuất quan trọng về việc phát triển văn học trong bối cảnh hiện nay, đồng thời khẳng định giá trị và sức sống mãnh liệt của văn học chiến tranh trong việc giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Mai Lữ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-thao-nhin-lai-50-nam-van-hoc-viet-ve-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-post870989.html