Hội thảo quốc tế về phát triển sâm Việt Nam công nghệ cao tại Lâm Đồng
• Chuyển giao hàng chục ngàn cây giống sâm cho nông dân Lâm Đồng
(LĐ online) - Sáng ngày 16/8, tại Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hiệp hội Sâm Hàn Quốc và Công ty Cổ phần Sâm Việt VGC tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển sâm công nghệ cao lần thứ nhất tại Lâm Đồng. Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia nghiên cứu sâm; và hơn 20 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực dược liệu trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng tham dự.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm S cho biết: Sâm Việt Nam (Panax Vietnamensis) được phân bổ dưới tán rừng tự nhiên, khu vực núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Từ nhiều năm qua, cây sâm Việt Nam được nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị… ở Lâm Đồng nghiên cứu nhân giống bằng các kỹ thuật invitro, nhân giống hữu tính, khả năng ra hoa, tạo hạt, xác định hàm lượng saponin…, trong đó có nhiều công trình công bố trong và ngoài nước.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Công ty Cổ phần Sâm Việt VGC đã phối hợp với Hiệp hội Nhân sâm Hàn Quốc di thực và trồng thử nghiệm thành công cây sâm Việt Nam theo quy trình công nghệ cao tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Công Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng, các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy hợp chất saponin của sâm Việt Nam vượt trội hàm lượng so với các loài sâm thuộc chi Panax trên thế giới.
GS.TS Nguyễn Minh Đức, đại diện Công ty Cổ phần Sâm Việt VGC công bố sau 5 năm trồng sâm Việt Nam công nghệ cao trên độ cao 1.400 m tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương bằng gieo hạt đạt tỷ lệ nảy mầm khoảng 80%, chăm sóc đến 3 năm thì cây nở hoa, đậu quả. Hiện, Công ty đã nhân giống tại chỗ hàng chục ngàn cây sâm Việt Nam, dự kiến đầu năm 2020 sẽ chuyển giao cây giống và công nghệ chăm sóc cho nông dân trong vùng…