Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến tại Trường Đại học Khoa học - ĐH Thái Nguyên

Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và linh kiện tiên tiến lần thứ 4 sẽ diễn ra tại trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên (ĐHKH-ĐHTN) từ 10 - 13/8/2023. Dự kiến có khoảng 50 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của khu vực và thế giới tham gia trực tiếp, 24 nhà khoa học quốc tế là báo cáo viên, diễn giả trực tiếp báo cáo tại 5 tiểu ban của Hội thảo. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng trường ĐHKH - ĐHTN về sự kiện này.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.

Thưa PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng, vì sao trường Đại học Khoa học- Đại học Thái Nguyên (ĐHKH-ĐHTN) lại đăng cai tổ chức hội thảo này?

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng: Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4 (IWAMD 2023) khởi nguồn từ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực Vật lý từ những năm 1995 bởi GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam và Giáo sư Yoshichika Onuki, Nguyên Chủ tịch Hội Vật lý Nhật Bản. Ba lần trước Hội thảo được tổ chức bởi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG HN và Đại học Osaka - Nhật Bản vào các năm 2009, 2012 và 2016.

Với đội ngũ các nhà khoa học trẻ với tỷ lệ giảng viên có trình độ từ Tiến sĩ trở lên trên 50%, trong những năm qua trường ĐHKH-ĐHTN luôn là điểm sáng trong toàn ĐH Thái Nguyên về công bố bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI/Scopus, được sự giới thiệu của GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương và GS.TS. Phan Mạnh Hưởng (Đại học Nam Florida, Mỹ), Ban tổ chức đã đồng ý lựa chọn Trường ĐHKH-ĐHTN cùng với Đại học Osaka và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG HN là ba đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo lần này. Mặc dù trường ĐHKH-ĐHTN đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế và quốc gia như: Hội nghị Vật lý chất rắn và Khoa học vật liệu toàn quốc lần thứ 8 (2013), Hội thảo quốc tế về Kinh tế và Văn hóa - Xã hội các dân tộc thiểu số trong bối cảnh Hội nhập Asean (2015), Hội thảo quốc tế về Đại số giao hoán (2017), Hội thảo quốc tế về Than sinh học (2017), Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc (2021), … Tuy nhiên, đây là Hội thảo quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Nhà trường.

Các đơn vị đồng tổ chức có Trường Đại học Việt - Nhật, Trường Đại học Công nghệ- ĐHQGHN, Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam và Hội Từ học Việt Nam. Đặc biệt có Tạp chí khoa học Journal of Science: Advanced Materials and Devices (JSAMD), tạp chí ISI (WoS) duy nhất của Việt Nam trong nhóm ngành Vật lý và Vật liệu với Impact factor 8.0, do GS. TS. Nguyễn Hữu Đức, chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý là Tổng Biên tập và GS.TS. Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida, Mỹ điều hành. GS.TS. Phan Mạnh Hưởng hiện là Giáo sư (Full Professor) của Đại học Nam Florida với rất nhiều bài báo quốc tế, h-index là 61 đồng thời là Phó Trưởng BTC Hội thảo, có mạng lưới hợp tác với rất nhiều nhà khoa học quốc tế và rất nhiệt huyết trong việc xây dựng mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam ở các nước cùng đồng hành với các nhà khoa học tại Việt Nam để xây dựng một cộng đồng khoa học Việt ngày một lớn mạnh.

Theo ông, những nội dung gì tại hội thảo lần này sẽ được đại biểu quan tâm nhất?

Theo ông, những nội dung gì tại hội thảo lần này sẽ được đại biểu quan tâm nhất?

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng: Với uy tín khoa học của các Giáo sư chủ trì Hội thảo và GS.TS. Phan Mạnh Hưởng, Hội thảo đã thu hút được 210 báo cáo với 77 báo cáo của các tác giả quốc tế từ 15 nước bao gồm Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Hungary, Tiệp Khắc, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ, Đài Loan, Philipine, Singapore, chia làm 02 phiên toàn thể, 05 tiểu ban và 01 phiên poster.

Tiếp nối thành công của chuỗi hội nghị trước đây, IWAMD 2023 sẽ thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu với các hoạt động khoa học, tập hợp các chuyên gia hàng đầu từ nhiều ngành khoa học về khoa học vật liệu, vật lý, hóa học và sinh học, để thảo luận về những khám phá và tiến bộ mới liên quan đến nhiều loại vật liệu khác nhau, từ điện tử đến năng lượng và lượng tử, tính toán lượng tử, công nghệ nano và các phương pháp nghiên cứu tiên tiến.

Nhà trường đã có những chuẩn bị như thế nào cho Hội thảo này?

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng: Ngay sau khi được Ban tổ chức đồng ý lựa chọn Trường ĐHKH-ĐHTN là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo, Nhà trường đã cử đại diện tham gia Ban tổ chức để cùng tham gia xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo và xây dựng các nội dung chuyên môn của Hội thảo. Nhà trường cũng đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phục vụ Lễ khai mạc và các tiểu ban của Hội thảo. Đến thời điểm này không gian tổ chức và trưng bày của Hội thảo đã sẵn sàng ở mức tốt nhất có thể trong điều kiện của Nhà trường.

Hội trường diễn ra sự kiện đã được chuẩn bị chu đáo.

Hội trường diễn ra sự kiện đã được chuẩn bị chu đáo.

Nhà trường kỳ vọng gì khi đăng cai tổ chức Hội thảo này?

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng: Thứ nhất, trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học thì các trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản rất khó tự chủ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua Nhà trường vẫn ưu tiên tối đa ngân sách để hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, xây dựng môi trường làm việc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học tham gia nghiên cứu khoa học. Do đó, nhiều năm liền trường ĐHKH luôn đứng đầu ĐHTN về công bố bài báo quốc tế trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus. Chúng tôi hy vọng, sự kiện Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và linh kiện tiên tiến lần thứ 4 – IWAMD 2023 được tổ chức tại ĐHKH-ĐHTN, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu sẽ tạo động lực rất lớn, như tiếp thêm năng lượng tinh thần cho thầy và trò Nhà trường. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học của Nhà trường được gặp gỡ, kết nối, chia sẻ, hợp tác với các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên hiện nay nhiều trường đại học trong cả nước đã dừng tuyển sinh vì các ngành này không có sức hút đối với người học và xã hội. Trường ĐHKH-ĐHTN là đơn vị có truyền thống đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và vẫn đang kiên trì theo đuổi sứ mạng này. Qua Hội thảo này, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo và xã hội tiếp tục dành sự quan tâm đúng mức cho đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.

Cảm ơn ông!

Tuấn Anh (Thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hoi-thao-quoc-te-ve-vat-lieu-va-linh-kien-tien-tien-tai-truong-dai-hoc-khoa-hoc-dh-thai-nguyen-post1558788.tpo