Hội thảo tham vấn các định hướng về giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch
Chiều 28/2, tại Khách sạn Hoàng Sơn, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức hội thảo tham vấn các định hướng hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch địa bàn tỉnh.
Dự và chủ trị hội thảo có đồng chí Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Cùng dự còn có đại diện: Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch tỉnh, Trung tâm TTXT du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các điểm du lịch trên địa bàn.
Hội thảo được nhóm chuyên gia về môi trường trình bày các vấn đề rác thải nhựa (RTN) đối với thế giới và ảnh hưởng tới ngành du lịch Việt Nam. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia có lượng RTN xả ra biển nhiều nhất. Năm 2019, ước tính lượng RTN do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam khoảng trên 230 nghìn tấn.
Nhiều khu du lịch biển (Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do RTN gây nên ... Ảnh hưởng của RTN đến du lịch, như gây mất cảnh quan, ảnh hưởng đến các sản phẩm du lịch, vì vậy nên thu nhập từ du lịch giảm đáng kể…
Nhận thấy hai địa phương Ninh Bình và Quảng Nam là các điểm đến có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường, Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn hai địa điểm này để triển khai các hoạt động của dự án. Với đề xuất hoạt động "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch" dự kiến triển khai trong hai năm 2022 và 2023.
Đây là chương trình nằm trong Dự án Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Theo đó, các hoạt động chính của dự án là nghiên cứu, điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu RTN trong ngành du lịch; chú trọng đến công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, khách du lịch; xây dựng và thực hiện một số điểm trình diễn các hệ thống quản lý không RTN dựa vào cộng đồng; xây dựng ứng dụng (app) về quản lý RTN trong ngành du lịch…
Nhiều đại biểu tham luận, nêu những khó khăn về quản lý RTN của địa phương; đề xuất nội dung địa phương có thể tham gia dự án giảm thiểu RTN trong hoạt động du lịch; công tác phối hợp xây dựng và các giải pháp đề xuất để thực hiện thành công mô hình dự án.
Dự án với mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành mô hình mẫu, điển hình về "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch" sau đó nhân rộng trên phạm vi cả nước. Qua đó tiếp tục tạo sự kết nối và sức lan tỏa của dự án, góp phần phát triển thành công và quảng bá thương hiệu, hình ảnh "Du lịch xanh" và mục tiêu phát triển du lịch bền vững của Ninh Bình và nhiều địa phương.